Sau cuộc khảo sát ý kiến người dân về việc bỏ loa phường, giữa tháng 10/2017, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã thí điểm lắp thiết bị thông minh (M-Gateway, hình dáng tương tự modem wifi) với kỳ vọng thay thế chức năng của loa phường tại 200 hộ dân bốn phường (Kim Mã, Thành Công, Tràng Tiền, Yên Hòa) thuộc ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy.
M-Gateway ngoài chức năng chính là phát trực tiếp các bản tin của phường đến từng hộ dân còn kết nối để mua thẻ điện thoại, thanh toán các loại hóa đơn internet, điện, nước, truyền hình...
Kinh phí trong giai đoạn thí điểm do các doanh nghiệp cung cấp thiết bị tự bỏ ra. Sau thí điểm, cơ quan chức năng sẽ đánh giá và dự trù kinh phí triển khai trên diện rộng. Lãnh đạo Sở Thông tin Truyền thông cho hay giá thiết bị sẽ phù hợp để người dân có thể mua thay thế khi cái cũ bị hỏng.
Đến nay, việc thí điểm đã kết thúc và Sở Thông tin đề nghị Viettel, MobiFone tiếp tục hỗ trợ thiết bị, sim, kỹ thuật đến khi thành phố quyết định phương án chính thức.
Tuy nhiên, tháng 5/2018, Viettel đề xuất thu hồi thiết bị để nghiên cứu, hoàn thiện thêm. Hiện chỉ còn MobiFone đặt thiết bị tại các hộ gia đình.
Không dùng hết tính năng
Là Trưởng khu dân cư với 2.400 người, ông Phạm Ngọc Cơ (tập thể A2 Thành Công, Ba Đình) đánh giá, M-Gateway có ưu điểm gọn nhẹ, dễ sử dụng, tiêu tốn ít điện năng và rất thuận lợi cho việc tuyên truyền chủ trương chính sách của chính quyền tới người dân.
Khi chưa có thiết bị thông minh, ông Cơ nắm chủ trương, chính sách qua hệ thống loa phường hoặc công văn từ phường gửi xuống. Giờ ông nghe thông tin tại nhà, sau đó thông báo lại cho tổ trưởng để họ viết lên bảng tin khu dân cư.
Đồng tình với chủ trương sắp xếp lại hệ thống loa phường, ông Võ Xuân Tui - Tổ phó dân phố số 7, phường Yên Hoà, Cầu Giấy, cho hay sau gần một năm sử dụng, gia đình thấy hiệu quả tốt.
"Thông báo qua loa phường sẽ có nhà nghe được nhà không. Nhưng nếu mỗi nhà có một thiết bị thì ai cũng nghe được", ông Tui bày tỏ. Gia đình ông để loa cố định ở cầu thang giữa tầng 1 và 2 nên cả hai tầng đều nghe được âm thanh.
Tuy vậy, người dân cũng chỉ ra một số nhược điểm và những tính năng cần cải tiến. Ông Phạm Ngọc Cơ đề nghị cần có nút chỉnh âm thanh; bật hoặc tắt khi không phải giờ phát để tiết kiệm điện...
"Thiết bị treo cố định một chỗ, nhà nhiều tầng thì âm thanh chỉ đủ nghe ở tầng có thiết bị", ông góp ý.
Bên cạnh đó, thiết bị có nhiều tính năng nhưng để sử dụng được phải có thiết bị khác hỗ trợ như máy tính bảng, điện thoại thông minh mà "những cái đó thì không phải ai cũng có điều kiện mua và sử dụng thành thạo".
"Phường Thành Công có 38 tổ dân phố đã triển khai thiết bị thông minh nhưng tôi chưa thấy ai sử dụng để thanh toán các loại phí", ông Võ Xuân Tui nói.
"Không sử dụng nếu mất tiền"
Bà Nguyễn Thị Kim Mỵ, Trung tâm công nghệ thông tin MobiFone cho hay, đơn vị đã lắp đặt thiết bị thông minh thí điểm tại hơn 100 hộ dân ở hai phường Thành Công (Ba Đình) và Yên Hoà (Cầu Giấy).
"Đây là thiết bị do MobiFone sản xuất, lắp ráp, trong đó một số linh kiện nhập của các nước G7 được cơ quan thẩm quyền đóng dấu hợp quy", bà Mỵ nói. Bà thông tin thêm, trong lần khảo sát cuối năm 2017 do sở Thông tin Truyền thông Hà Nội thực hiện, đa số người dân hào hứng tiếp nhận thiết bị.
Nhưng trái ngược với những hào hứng ban đầu, ông Võ Xuân Tui bảo nếu thành phố trang bị miễn phí cho người dân thì tốt, mất chi phí người dân sẽ băn khoăn vì hiện có nhiều kênh tiếp nhận thông tin khác như truyền hình, báo chí...
"Tôi đã tham khảo ý kiến những người xung quanh, ai cũng bảo nếu mất tiền để được dùng thiết bị thì không hào hứng tham gia", ông Tui nêu.
Đề cập việc triển khai đại trà, ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ trưởng dân phố số 11, phường Yên Hoà, Cầu Giấy e ngại "không khả thi, vì lúc miễn phí người dân còn lắc đầu, nếu triển khai rộng mà tính phí lắp đặt rồi phí hàng tháng sẽ khó được đón nhận".
Ông Dũng cho rằng, loa phường vẫn có ưu điểm trong việc cập nhật thông tin, vấn đề là thành phố phải chọn giờ phát, số lượng loa lắp đặt, giảm âm lượng để người dân có thể chấp nhận.
Đầu tháng 8/2017, Hà Nội phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố”. Theo quy định mới, hệ thống loa phường thuộc địa bàn 4 quận nội thành cũ của Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) chỉ phát nội dung thông báo các trường hợp khẩn cấp (phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh...) hoặc theo yêu cầu của Trung ương và thành phố.
Thành phố cũng giao khảo sát, lựa chọn các thiết bị thông minh (kết nối 3G, 4G, wifi...) để thay thế dần các hình thức thông tin truyền thống, bảo đảm các chức năng cần thiết.
Trong tháng 10 này, Hà Nội lần thứ hai khảo sát ý kiến người dân về loa phường trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố (Hanoi.gov.vn), thời hạn kết thúc là ngày 25/10.
Võ Hải