Anh Nguyễn Hoàng Phương sống tại chung cư Royal City, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân trở thành F1 do đi cùng thang máy với người mắc Covid-19, hôm 5/11.
Ngày 11/11, anh nhận được thông báo đi cách ly tập trung. Điều này có nghĩa anh sẽ phải ở 14 ngày trong khu cách ly dù đã tự cách ly ở nhà 7 ngày trước đó. "Quá mất thời gian và không cần thiết", anh nói. Nhưng điều khiến anh Phương khó hiểu hơn là một số người cùng đi thang máy với F0 giống như anh lại không phải đi cách ly.
Anh nhận định bản thân "có nguy cơ nhiễm quá thấp" bởi đã tiêm hai mũi vaccine, thời gian gặp F0 trong thang máy chưa đến một phút và tuân thủ 5K. Nhưng đề nghị được cách ly tại căn hộ của gia đình rộng 130 m2, ba phòng ngủ, nhà vệ sinh riêng hoặc đến các điểm cách ly tự chọn có trả phí của anh đều không được chấp nhận.
"Tôi hiểu tầm quan trọng của việc phòng dịch nhưng tôi cũng rất e ngại tình trạng lây nhiễm chéo ở khu cách ly tập trung", anh nói.
"Nếu đã tiêm đủ hai mũi vaccine, thực hiện đủ 5K, khi đi chung thang máy với F0 và đủ khả năng tự cách ly tại căn hộ, không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn của ĐBQH, sáng 10/11. Nếu chiếu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp như của anh Phương chỉ phải cách ly tại nhà 7 ngày.
"Tại sao vẫn bắt tôi đi cách ly tập trung?", anh thắc mắc.
Ngày 19/11, Hà Nội ban hành hướng dẫn cách ly F1 tại nhà với 26 quận, huyện. Riêng bốn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng phải cách ly tập trung do "đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt". Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thực hiện đồng thời cả hai biện pháp cách ly, ví dụ như quận Hoàng Mai.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng việc cho phép những địa bàn khác được cách ly F1 tại nhà ngoại trừ bốn quận trung tâm "gây tâm lý khó hiểu và không bình đẳng trong chống dịch". Ông đề nghị thành phố nên cho tất cả F1, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng được cách ly tại nhà. "Việc bắt buộc đi cách ly có thể khiến nhiều người dân tìm cách khai báo không trung thực", ông Hùng nói.
Những người có chung cảnh ngộ như anh Nguyễn Hoàng Phương không hiếm. Từ khu cách ly tại ký túc xá Đại học FPT, chị Trần Trang, 31 tuổi, trú quận Đống Đa cho biết từng tiếp xúc với ca dương tính hôm 12/11 nhưng phải đến 16/11 y tế phường mới có xe đưa chị đi cách ly. "Có nơi quy định ngày cách ly tính từ khi tiếp xúc với F0, có nơi tính từ ngày vào khu cách ly. Chẳng biết bao giờ tôi được ra", Trang thở dài và nói thêm chị đang nuôi con nhỏ, gia đình "thừa điều kiện để cách ly tại nhà".
Bốn ngày sau khi đi cách ly, anh Đoàn Thành, 31 tuổi, ở quận Hà Đông nhận tin "những người cách ly tập trung đủ 7 ngày, xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính thì được chuyển về cách ly tại nhà". Nhưng khi tìm hiểu quy trình thủ tục để xin chuyển về cách ly tại nhà, người đàn ông 31 tuổi lập tức "rối não". Theo đó, anh phải có đơn đăng ký gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của phường. Nơi nhận đơn sẽ cử Tổ thẩm định xuống xác minh, đánh giá. Nếu đủ điều kiện, Tổ thẩm định sẽ lập biên bản gửi về Ban chỉ đạo phòng, chống dịch phường để cấp "Giấy xác nhận". Sau đó Ban chỉ đạo sẽ ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với F1. "Rườm rà quá", anh Thành thốt lên.
Hiện, anh không có giấy xác nhận đã đi cách ly tập trung và không có mẫu đơn đăng ký chuẩn. Khi anh gọi điện hỏi phường thì được hướng dẫn qua trung tâm y tế. Hỏi khu cách ly thì không ai trả lời. "Mỗi nơi yêu cầu một kiểu, xin được cái giấy xác nhận có khi cũng hết thời gian cách ly tập trung", anh nói.
Chưa tiếp nhận trường hợp F1 nào xin về nhà sau 7 ngày cách ly tập trung, nhưng theo ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, việc F1 muốn xin về nhà phải thông qua đơn vị cách ly y tế tập trung. "Mọi quy trình đều được làm theo đúng thủ tục", ông Sinh nói.
"Nhưng đơn ở đâu, trình tự giải quyết thế nào lại không ai hướng dẫn", anh Thanh thở dài.
Và chính những người cách ly tại nhà cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Trước khi hướng dẫn cách ly F1 tại nhà được ban hành, chị Nguyễn Trà My, 29 tuổi, ở quận Cầu Giấy đã chuẩn bị hành lý đi cách ly tập trung do từng tiếp xúc F0 hôm 10/11. Ngày 15/11, My nhận thông báo được cách ly tại nhà do nơi khu cách ly tập trung quá tải. Chị tự nhốt mình trong phòng, sử dụng nhà vệ sinh, đồ dùng riêng và hạn chế tiếp xúc.
Ký cam kết "thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch" My đã hai lần phải tự đi 4 km từ nhà ở phường Mai Dịch đến phường Trung Hòa lấy mẫu xét nghiệm. Thử liên hệ trạm y tế phường với mong muốn có nhân viên y tế xuống tận nhà lấy mẫu hoặc sắp xếp một địa điểm gần nhà để tiện di chuyển, nhưng chị vẫn được yêu cầu đến điểm chỉ định. "Bắt người đang phải cách ly đi 4 km thì còn gì là cách ly nữa", Trà My than thở.
Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Hải Yến, cho biết đơn vị vẫn thực hiện đúng quy định cách ly các tại nhà cho người tiếp xúc gần (F1). Việc để F1 tự đến địa điểm lấy mẫu xét nghiệm là sai quy định.
Cũng theo bà Yến, mỗi ngày trên địa bàn quận Cầu Giấy phát sinh từ 8 đến 12 ổ dịch, số lượng F1 lớn gây quá tải cho ngành y tế. Thống kê của UBND TP Hà Nội, từ ngày 11 đến 17/11 ghi nhận 8.630 F1, trong đó 1.134 chuyển thành F0. Tỷ lệ F1 thành F0 là 13%, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 11/10 - 31/10 (7%).
Hiểu rõ các biện pháp phòng dịch là cần thiết, nhưng anh Hoàng Phương mong sớm có sự rõ ràng, thống nhất khi bóc tách, phân loại F1. Anh cũng nêu bất bình về trường hợp một gia đình có F0 mà khóa chặt cả một tầng chung cư 13 hộ trong hai tuần. "Nếu tiêm đủ vaccine và có nhiều cách khác nhau để ngăn ngừa dịch, tại sao cứ phải áp dụng biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, tinh thần như hiện nay?", anh Phương nói.
* Tên các nhân vật đã thay đổi.
Quỳnh Nguyễn