Cô gái 24 tuổi ở quận Thanh Xuân gặp cầu vồng đôi (một vòng đậm, một vòng nhạt) khi đi qua đường Láng, quận Cầu Giấy. Dung nói nhiều lần nhìn thấy cầu vồng sau mưa rào nhưng nay là lần đầu thấy cầu vồng đôi dù cả chiều tạnh ráo.
"Cầu vồng rất đẹp và rõ nhưng biến mất nhanh chóng, rất may tôi đã lưu giữ được khoảnh khắc đẹp này và chia sẻ với mọi người", cô gái trẻ nói.
Đình Tuấn, 25 tuổi ở quận Ba Đình kể bầu trời lúc 18h chuyển màu đỏ rực khác thường, ban đầu chỉ hiện một vòng cầu, nhưng nhìn kỹ lại thấy hai vòng cầu đồng tâm. Chứng kiến cảnh tượng lạ, anh liền lấy máy ảnh ra chụp.
Không riêng Tuấn, rất đông bạn bè trên mạng xã hội của anh cũng liên tục chia sẻ ảnh chụp lại cầu vồng đôi. Ai cũng muốn khoe các góc chụp ấn tượng nhất.
"Tôi biết cầu vồng đôi từng xuất hiện tại nhiều địa phương khác, nhưng đây là lần đầu thấy hiện tượng này", chàng trai 25 tuổi nói.
Không riêng Tuấn hay Dung, từ tối 22/7 người dùng mạng liên tục chia sẻ hình ảnh, video quay chụp cầu vồng đôi lên trang cá nhân và các hội nhóm về ảnh. Mỗi bài đăng thu hút hàng nghìn lượt yêu thích. Ngoài bình luận bày tỏ sự thích thú, không ít người cũng chia sẻ ảnh chụp lại tại các quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ cho đến ngoại thành Đan Phượng, Quốc Oai. Thời điểm xuất hiện cầu vồng, trung tâm thành phố không mưa, ngoại thành mưa nhỏ, bầu trời nhiều mây.
Theo các chuyên gia khí tượng, thiên văn, quang học và khí quyển, cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng mặt trời khi tương tác với những hạt nước trong không khí. Khi ánh sáng vừa bị phản xạ, vừa bị khúc xạ qua hạt nước sẽ tách thành bảy màu khác nhau theo thứ tự: đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Thường thấy nhất là cầu vồng đơn. Hiếm gặp nhất là cầu vồng đôi - dạng cầu vồng chung gốc nhưng lại tách thành hai cung vòng riêng biệt.
Tiến sĩ Wojciech Jarosz thuộc Trung tâm Nghiên cứu Disney, Zurich, Thụy Sĩ cho biết bí ẩn cầu vồng đôi (cầu vòng song sinh) có thể nằm ở sự kết hợp của các giọt nước với kích cỡ khác nhau, đôi khi là hai cơn mưa rào xảy ra cùng lúc.
"Những hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra các cầu vồng hơi biến dạng. Khi các cầu vồng này kết hợp với nhau sẽ tạo thành cầu vồng sinh đôi", chuyên gia nói.
Trang National Geographic cũng cho biết cầu vồng đôi được tạo ra bởi ánh sáng phản chiếu hai lần bên trong hạt mưa. Kết quả của sự phản xạ thứ hai này khiến quang phổ của cầu vồng phụ (cầu vồng thứ cấp phía trên cung chính) bị đảo ngược: màu đỏ ở bên trong vòm, màu tím ở bên ngoài và thường mờ nhạt hơn màu cầu vồng chính.
Đây không phải lần đầu cầu vồng đôi xuất hiện tại Việt Nam. Trước đó tháng 7/2023 ghi nhận cầu vồng đôi ở Tây Ninh, hay tháng 8/2022 tại Lào Cai. Trên thế giới cũng nhiều nơi từng xuất hiện cầu vồng đôi.
Không am hiểu về thiên văn học nhưng Ngọc Lan ở quận Bắc Từ Liềm nói thích thú khi lần đầu chứng kiến cầu vồng đôi và lập tức chụp lại.
"Gần 30 năm cuộc đời đây là lần đầu tôi được xem toàn cảnh cầu vồng đôi từ ban công chung cư. Quá đẹp và bình yên", cô gái 29 tuổi, người vừa chia sẻ ảnh chụp cầu vồng đôi lên trang cá nhân thu hút hàng trăm lượt yêu thích và thả tim, nói.
Quỳnh Nguyễn