Nhà ông Hùng có bồn trữ nước đặt trên mái nhà. Mấy hôm nay trời nắng gắt, nước trong bồn rất nóng nên không thể dùng trực tiếp được. Chiều chiều ông Hùng tranh thủ mang xô ra hứng nước ở bể ngầm. Thế nhưng vòi nước trước cửa chảy rất chậm, chiều nào ông cũng phải dành cả tiếng ngồi trực mới lấy được nước mát cho cả nhà.
Khu dân cư nơi ông Hùng ở thuộc dự án mở rộng của công viên Thủ Lệ, các gia đình đều chỉ làm nhà tạm bợ, lợp mái tôn, mùa hè rất oi bức. Một chủ nhà ở Cầu Giấy, hàng xóm của ông Hùng, kể cả nhà phải mở điều hòa suốt ngày, không thì chẳng thở nổi. Nhà sát mặt đường bê tông, hơi nóng phả từ đường vào, từ trên mái xuống nên nhiệt độ trong nhà chả khác ngoài trời bao nhiêu.
"Trưa qua, nhiệt độ trong nhà tôi đã lên 38 độ, ngoài trời còn nóng hơn. Điều hòa bật lên vài tiếng cũng chỉ hơi mát chứ không lạnh được. Tối, cả nhà kéo nhau vào công viên ngồi hóng gió. Đêm nào mất điện thì mọi người ngồi la liệt ngoài vỉa hè vì không thể nằm trong nhà mà ngủ được", ông chủ nhà này cho biết.
Đợt nắng nóng kéo dài một tuần nay ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân Hà Nội. Để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe, nhiều gia đình phải loay hoay tìm đủ mọi cách chống chọi với cái nắng nóng xấp xỉ 40 độ C. Trời nắng, nhiệt độ cao, những gia đình có trẻ nhỏ thường vất vả hơn cả.
"Mấy đêm nay, hai đứa trẻ nhà tôi trằn trọc khó ngủ, đêm mấy lần dậy khóc vì nóng. Mình đi làm cả ngày, đêm cũng mất ngủ theo, lại giữa thời tiết thế này, người bải hoải không muốn làm gì", chị Lê Thị Thanh (Hoài Đức, Hà Nội), than thở.
Để làm dịu bớt cái oi nồng, đêm ngủ, nhà chị phải mở tung cửa ban công, bật hết công suất hai chiếc quạt to. "Bình thường trước khi đi ngủ phải đóng cửa vì sợ trộm vào, nay nóng không chịu được nên phải mở cho có gió trời", chị Thanh nói.
Bà mẹ 32 tuổi cho biết, ban ngày trước khi đi làm chị phải đóng hết tất cả các cửa sổ trong nhà, kéo rèm che kín để tránh hấp ánh nắng. Ngày hai lần sáng và chiều, ông xã chị dùng vòi phun nước ra trước cửa, lên mái nhà, cho cây cối xung quanh. Bản thân chị buổi sáng luôn cố gắng đi làm sớm, còn chiều lại về muộn hơn để tránh những lúc nắng gắt. "Hễ ra đường là che kín mít, hở chỗ nào là nắng rát ngay. Đáng lẽ 17h đã được về nhưng thường 17h30 tôi mới rời cơ quan. May ông bà ở gần nên đi đón con giúp", chị Thanh nói.
Ông Minh (Nghĩa Tân, Hà Nội) kể, cậu cháu trai 19 tháng tuổi của ông cả tuần nay thường bị "nhốt" trong nhà từ sáng tới chiều. "Trước cửa nhà có một sân chơi rộng của khu tập thể nhưng nền xi măng nóng hầm hập nên không thể cho cháu ra chơi được. Thằng bé ở trong nhà khó chịu nhưng đành chịu, còn hơn bị ốm, tầm gần 18h trời mát mới dám đưa ra công viên cho thoáng", ông Minh kể trong lúc đẩy xe cho thằng cháu đi dạo ở công viên Nghĩa Đô lúc 19h.
Hạn chế ra ngoài trời cũng là cách nhiều người lớn áp dụng để tránh các thời điểm nắng gay gắt nhất. Chiều nào cũng đi bộ ba vòng quanh hồ Thủ Lệ (Hà Nội) bắt đầu từ lúc 16h30, bác Nguyễn Văn Hưu ở phố Đào Tấn cho hay, mấy ngày nay số người đi tập thể dục vào giờ này vắng hẳn. "Tôi cố gắng duy trì giờ tập cho thích nghi với thời tiết nhưng nhiều người đi không chịu được, tập muộn hơn vì 17h vẫn nắng gắt lắm", bác Hưu nói.
Với những người làm phải làm việc ngoài trời thì không có cách nào khác là phải "sống chung với nắng". Ông Cấn Văn Cao, chuyên chở xe ôm tại bến xe Mỹ Đình, Hà Nội, cho biết những ngày này ông phải mặc quần áo, đeo khẩu trang, đi tất thật kín vì đi ngoài trời nắng lâu những vùng da hở có thể bỏng cháy. Ngoài ra, mỗi ngày ông đều mang theo hai bình nước to treo sẵn ở xe để uống liên tục.
"Chạy xe giữa trời nắng, mồ hôi tuôn ra như tắm, không uống nước là chỉ một lúc người lả ngay, mà ngồi quán thì không biết bao nhiêu cho vừa, cứ 5.000 đồng một cốc trà đá, 12.000 đồng ly nước mía...", ông Cao kể. Ngoài lúc chạy xe, những khi đợi khách, cũng như các đồng nghiệp khác, ông Cao lại phải nhanh chóng tìm bóng râm để ngồi nghỉ tránh nắng.
Người đàn ông 52 tuổi này cho hay, cánh xe ôm rất sợ trời nắng nóng như mấy ngày nay vì thời tiết không chỉ khiến họ vất vả hơn mà còn làm lượng khách cũng giảm hẳn. "Nhiều người sợ nắng nên đi taxi cho mát, xe ôm ế", ông Cao nói.
Không gian sống chật hẹp, đồ dùng gia đình cũng tối giản nên với những sinh viên ở trọ, nắng nóng là nỗi kinh hoàng. Hải, sinh viên một trường đại học tại Đống Đa, Hà Nội, cho biết phòng trọ của em chỉ rộng hơn chục mét vuông, mái lại lợp fibro xi măng nên trong phòng rất bức bối. Dịp này được nghỉ ôn thi nhưng ngày nào Hải cũng lên trường để vào thư viện học cho mát.
Cậu sinh viên năm ba này cho hay, hai tối nay nóng quá, em còn mở cửa chiếc tủ lạnh mini cho hơi lạnh phả ra. "Làm thế chắc tốn điện lắm nhưng không thể chịu nổi cái nóng như rang người này", Hải nói.
Không chỉ lo chống nắng, những ngày oi nóng như mấy hôm nay, các bà nội trợ còn đau đầu nghĩ cách cải thiện bữa ăn hay giữ thực phẩm tươi, tránh ôi thiu, nhiễm khuẩn.
Là bác sĩ nhi đã về hưu, bà Xuân (Yên Hòa, Hà Nội) cho biết mấy hôm nay gia đình bà luôn phải tráng bát, đũa bằng nước sôi thật sạch trước khi sử dụng để tránh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các thực phẩm tươi khi mua từ chợ về, bác thường rửa sạch ngay rồi sục ozone vài phút để khử độc. "Nắng nôi thế này vi khuẩn sinh sôi nhanh lắm. Nhà mình có trẻ nhỏ, phải cẩn thận", bà nói.
Cũng vì lý do này mà cả tuần nay, chị Bích (Đan Phượng, Hà Nội) cũng không dám cho con uống sữa tươi tự thanh trùng nữa. Chị Bích kể, ở gần khu chị sống có trang trại bò sữa nên thường chị hay tới đó mua sữa tươi sống về tự đun rồi cho con uống. Mấy ngày nắng này, sữa dù đã đun kỹ, để trong tủ lạnh sang đến ngày thứ hai là đã có biểu hiện mùi hơi chua. "Bọn trẻ ở nhà hay mở cửa tủ nên thức ăn cất trong tủ lạnh cũng vẫn mau hỏng, đồ đã nấu chín hay sữa tươi đã tiệt trùng thì chỉ giữ được 1-2 ngày", chị Bích kể.
Những ngày nắng này, nhà chị phải mở điều hòa cả ngày. Tháng trước tiền điện đã đội lên gấp đôi so với trước đây, tới hơn một triệu đồng. "Tháng này nóng hơn, mở điều hòa nhiều hơn nên chắc còn tốn tiền điện hơn nữa", chị nói.
Vương Linh