Người phụ nữ 35 tuổi ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức nói năm nay cúng sớm vì 23 tháng Chạp rơi vào giữa tuần, chị làm việc cách nhà 18 km nên không thể tranh thủ về trưa làm lễ. Còn nếu cúng đúng ngày, Hà phải đi chợ thật sớm mua cá chép cùng nguyên liệu nấu cỗ, cố gắng hoàn thành mâm cơm cúng trước giờ cả gia đình đi làm. Người phụ nữ này tin vào quan niệm phải cúng trước 12h trưa, để "ông Táo kịp lên Thiên đình".
"Tuy nhiên trong hơn một tiếng buổi sáng tôi không thể hoàn thành từng đó công việc, trừ phi xin nghỉ làm nửa ngày nhưng chưa chắc cấp trên đã đồng ý bởi cuối năm nhiều việc", Hà nói.
Bà Xuân Lan, 65 tuổi, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ cũng chọn cúng ông Công ông Táo vào chủ nhật cuối cùng của tháng 1. Người phụ nữ cho biết đã nhiều năm không cúng đúng ngày, thường chọn vào cuối tuần sát 23 tháng Chạp để con cháu phụ nấu cỗ. Sau khi xong lễ, cả gia đình cùng hóa vàng và mang cá chép thả ra ao, hồ gần nhà. Thời điểm này các thành viên lại có cơ hội quây quần ăn uống ngày cuối năm.
"Vào ngày thường, vợ chồng tôi không thể tự đi chợ, nấu cỗ, sau leo bốn tầng nhà để bê đồ cúng. Bản thân già yếu nên những ngày này cũng cần dựa vào lịch của các con", bà Lan nói.
Số gia đình tại thủ đô cúng ông Công ông Táo sớm như gia đình chị Thu Hà, bà Xuân Lan không ít. Khảo sát của VnExpress, gần hai tuần trước ngày 23 tháng Chạp, tại các chợ trên địa bàn thành phố bắt đầu bày bán nhiều bộ mũ áo, hài, vàng mã, cá chép sống cũng như các món ăn mô phỏng hình cá chép như xôi, thạch, giò chả.
Bà Nguyễn Dân, 66 tuổi, tiểu thương bán gà tại quận Hoàng Mai cho biết một tuần trước ngày 23 tháng Chạp, số lượng bán ra bắt đầu tăng mạnh. "So với năm ngoái, lượng khách mua sớm tăng bởi chính ngày vào trong tuần, mọi người bận đi làm nên cúng trước", bà Dân nói.
Chị Thanh Trúc, tiểu thương bán vàng mã tại chợ dân sinh trên đường Đỗ Xuân Hợp, quận Nam Từ Liêm cho biết từ rằm tháng Chạp đến nay đã bán hơn 200 bộ mũ áo cho người có nhu cầu cúng ông Công ông Táo chủ yếu vào hai ngày cuối tuần. Giá dao động 50.000-120.000 đồng. Càng đến sát ngày giá có thể tăng, thậm chí nhiều thời điểm không đủ hàng để bán.
Bên cạnh đó, các dịch vụ cung cấp mâm cỗ cúng ông Công ông Táo cũng được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội từ đầu tháng 1.
Chị Nguyễn Giang, nhân viên một dịch vụ nấu cỗ trên đường Trường Chinh, quận Đống Đa cho biết khách bắt đầu đặt mâm cỗ cúng ông Táo từ ngày 17-18 âm lịch, đa phần yêu cầu giao hàng vào buổi sáng. Giá mỗi mâm dao động từ 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng.
Quỳnh Hoa, 30 tuổi, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, cũng đặt trước một mâm cỗ để cúng 23 tháng Chạp sớm do chính ngày đi công tác, chồng con ở nhà không quen lễ bái.
"Cúng thì cứ cúng bởi phù hợp với công việc, cuộc sống nhưng tôi cũng băn khoăn không biết cúng trước có đúng lễ nghi hay không? Bởi người quan niệm phải cúng đúng ngày, người khuyên nên cúng trong khoảng 20-23 tháng Chạp và phải trước 12h trưa", Hoa kể.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết cúng ông Táo sớm hay muộn hơn một, hai ngày không có vấn đề gì vì theo truyền thuyết, sự tích và khảo cứu văn hóa thì thờ ông Công ông Táo là thờ gia thần. Theo quan niệm xưa, nhà quan cúng ông táo ngày 23, nhà dân cúng ngày 24, ngư dân cúng ngày 25; nhưng phổ biến là cúng vào ngày 23.
"Đặc biệt việc cúng tế chỉ cần diễn ra trong vòng 24h, không nhất thiết trước 12h theo suy nghĩ của nhiều người, bởi lễ cúng quan trọng là sự thành thực, tôn kính ở tâm người cúng", ông Hải nói.
Thấy sự thuận tiện của việc làm lễ trước, chị Thu Hà nói các năm tiếp nếu ngày ông Công ông Táo vào trong tuần sẽ chọn cúng vào ngày nghỉ gần nhất. Còn không vẫn cúng đúng ngày.
"Mà cúng sớm cũng tiện để các ngài lên Thiên đình sớm. Trần sao thì thiên vậy, đi sớm cũng tránh tắc đường", chị Hà hài hước nói.
Hải Hiền - Quỳnh Nguyễn