Thông tin này được bà Phạm Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Nhà xã hội (Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng) nêu tại hội nghị phổ biến về 3 luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản mới do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức.
Theo bà Hà, các điều kiện để người dân thuê, mua nhà ở xã hội đã được nới lỏng hơn so với quy định tại luật cũ. Trong đó, điều kiện về cư trú để được hướng chính sách về nhà ở xã hội đã được bãi bỏ. Theo quy định cũ, ngoài đáp ứng tiêu chí về thu nhập, người dân còn phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại địa phương đó.
"Trước đây, người ở Hà Nội chỉ mua được nhà ở xã hội tại Hà Nội. Còn hiện muốn mua nhà ở xã hội tại TP HCM thì chỉ cần chứng minh chưa có nhà ở thành phố này là có thể mua được", bà Hà nêu ví dụ.
Thủ tục để chứng minh cũng đơn giản hơn khi chỉ cần xác nhận người mua cùng vợ/chồng (nếu có) không có tên trong sổ đỏ tại tỉnh, thành phố - nơi có dự án nhà ở xã hội tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký, thay vì cần phải xác minh nhiều thông tin như trước.
Đồng thời, giới hạn về thu nhập của người mua nhà ở xã hội cũng được tăng mạnh. Theo quy định cũ, điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình thu nhập thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân - tức không quá 11 triệu đồng một tháng. Còn với luật mới, thu nhập hàng tháng được nâng lên không quá 15 triệu đồng hoặc tổng thu nhập của hai vợ chồng không vượt 30 triệu là được mua nhà ở xã hội.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết trình tự thủ tục phát triển nhà ở xã hội theo luật mới cũng đã được rút gọn chỉ gồm 3 bước. Ở giai đoạn ban đầu, chủ đầu tư dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cũng như thủ tục đề nghị miễn. Hai bước ở giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc dự án không có sự khác biệt nhiều so với dự án nhà ở thương mại.
Dù nhiều quy định để sở hữu, hay xây dựng nhà ở xã hội đã được nới lỏng, việc phát triển loại hình nhà ở này lại vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo báo cáo gần nhất của Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng, tính đến tháng 7/2024, cả nước có 79 dự án xây xong với gần 40.700 căn, mới đạt 10% chỉ tiêu đến 2025
Cả nước đạt gần 36% chỉ tiêu đến 2025, nếu tính cả dự án đã khởi công, hoàn thành. Một số địa phương có tỷ lệ xây nhanh và vượt chỉ tiêu như Khánh Hòa (104%), Thanh Hóa (74%), Hậu Giang (53%), Bình Thuận (37%)... Nhiều địa phương cũng tích cực thu hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội như Bắc Ninh (16 dự án), Thanh Hóa (10), Hải Phòng (9), Đồng Nai (8)...
Tuy nhiên, tại hai đô thị loại đặc biệt - nhu cầu về nhà ở cao nhất là Hà Nội, TP HCM, việc xây nhà ở xã hội còn chậm, chưa tới 40% chỉ tiêu. Cụ thể, Hà Nội phải xây 18.700 căn đến 2025, nhưng mới có 3 dự án được khởi công (1.700 căn) và 5 dự án xây dựng xong, với 5.200 căn, đạt gần 37% mục tiêu.
Anh Tú