Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ hai, 18/4/2022, 15:14 (GMT+7)

Người Hà Nội chơi cành quả mận

Sau trào lưu cắm cành hoa đào, mận, mơ, lê... nhiều gia đình thủ đô đang có thú chơi mới: Cắm cành mận với quả sắp chín, sai trĩu trịt.

Đầu tháng 4, thị trường buôn bán hoa tại Hà Nội xuất hiện các cành mận chi chít quả và lá, chuyển xuống từ Mộc Châu, có giá bán từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.

Thấy cành có lá xanh non kèm quả nhìn thích mắt, nhiều gia đình đã săn lùng để cắm. Một số người tiết lộ, họ thích trưng cành quả mận như một món đồ trang trí lạ mắt, có quả để ăn khi chín.

Bốn ngày trước, chị Nguyễn Hà ở quận Cầu Giấy phát hiện trên chợ hoa online có người rao bán cành quả mận. Thấy cành lạ, đẹp mắt, chị đặt mua một bó ba cành to, giá 100.000 đồng.

"Lúc mua về cành nào cũng nhiều lá, tôi phải tỉa bớt để lộ quả, sau cắt thân cho hợp với độ cao của bình. Đặc biệt, cắm cành quả phải nhẹ nhàng, nâng niu vì nhiều quả chín, dễ rụng", chị nói. Để cành tươi, chị cắt vát gốc, đổ nước khoảng 2/3 bình. Hàng ngày theo dõi lượng nước trong bình vì cành hút nước.

Người phụ nữ 38 tuổi cho biết đây là năm đầu tiên cắm cành quả mận, trước đó gia đình chị chủ yếu cắm hoa.

Chị Hà khuyên người mua nên lựa chọn cành nhiều quả xanh, ít bị rụng, chơi được lâu hoặc muốn quả chín nhanh có thể pha nước ấm để kích thích.

"Thú cắm cành mận hay lắm, nhiều lúc nghe tiếng mận rụng xuống bàn cũng vui tai. Hễ thấy quả rụng là nhặt, lau sạch rồi chấm muối ớt ăn liền. Chẳng khác nào lên tận vườn ăn mận tươi", chị nói.

Bình mận với những quả xanh, vàng và đỏ của chị Thu Hà, quận Thanh Xuân, thu hút hàng trăm lượt yêu thích và bình luận trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Chị Hà cho biết đây là năm đầu tiên biết đến cành quả mận, trước đó chỉ thấy rao bán cành quả hồng, táo mèo. Có kinh nghiệm cắm nhiều loại hoa, chị nói việc chăm sóc cành quả không khó, nếu thay nước thường xuyên có thể giữ cành quả tươi được 10 ngày.

"Những ngày đầu lá xanh tốt, nhưng sau một tuần bắt đầu rủ, lộ quả, sai trĩu trịt rất thích mắt. Nhưng người chơi nên cắm tự do, thay vì tạo kiểu hoặc cắm bằng xốp làm mất đi sự tự nhiên của cây rừng Tây Bắc", chị Hà chia sẻ.

Mua bó mận với giá 150.000 đồng, chị nói không đắt, cắm xong có thể thưởng thức quả. "Quả trên các cành đều giống mận bán ở ngoài chợ, chỉ là thích cắm cành nên bẻ cả cành về bán. Quả chín rất mềm và ngọt, còn quả xanh vẫn phải chấm muối ớt, ăn giòn chua", chị cho biết.

Là một trong những người kinh doanh cành quả mận sớm nhất tại Hà Nội, chị Nguyễn Hoài An, chủ cửa hàng hoa tại xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì cho biết năm nay được mùa mận, nguồn cung cấp dồi dào, chị bắt đầu nhập hàng từ đầu tháng 4.

Nhu cầu tiêu thụ lớn, mỗi ngày chị An nhập về 100 bó phục vụ Hà Nội và 50 bó vận chuyển đi các tỉnh. Từ đầu tháng 4 đến nay, chị nhẩm tính bán được 1.000 cành mận.

Mỗi bó từ 7 đến 10 cành lớn, cành dài khoảng từ 50 cm đến 55 cm, nhiều quả và lá, giá từ 150.000 đồng đến 170.000 đồng. Do nhập cành còn xanh, cắm được 15 ngày. "Hàng về đến đâu hết đến đó, cửa hàng tôi không có hàng tồn, nhiều hôm còn không có hàng để bán", chị An nói.

Bài viết rao bán cành quả mận của chị Tình Thơ, huyện Hoài Đức, thu hút nhiều sự quan tâm sau một ngày đăng tải. Nhiều người đã liên hệ đặt hàng để làm đẹp không gian sống của gia đình.

Chị Thơ cho biết, mọi năm người dân có xu hướng chơi hoa mận, nhưng năm nay mới bắt đầu chơi cành quả mận. "Hôm nay tôi vừa nhập về được vài chục bó, sau khi bán sỉ và gửi các đơn đặt trước, giờ chỉ còn gần chục bó, nhưng trong ngày hôm nay là hết. Sức mua của người dân khá lớn", chị Thơ nói.

Vài năm trở lại đây cành quả Việt được nhiều người ưa chuộng, hàng đa phần nhập về từ Tây Bắc. Đặc biệt việc cắt cành quả bán giúp người nông dân thu lãi cao hơn nhiều so với chỉ bán quả. "Khi hết đợt quả người dân đều phải cắt tỉa cành, nên một công đôi việc, có lợi cho cả người trồng và người mua", chị Thơ nói.

Để bảo quản cành quả tốt, người bán khuyên nên gia đình nên cắm ở nhiệt độ phòng, đặt trong không gian thoáng đãng, mát mẻ, còn nếu để trong phòng có điều hòa, cành nhanh hỏng, quả dễ rụng.

Ngoài ra, cành quả ít hay nhiều còn phụ thuộc vào quá trình vận chuyển, nếu bị đè, dập hoặc bị ủ nóng nhiều trên xe dễ bị rụng.

Quỳnh Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp