"Có những đoạn nước ngập lún bánh xe, tôi suýt ngã mấy lần vì bị sóng nước dạt vào mỗi khi ô tô phi ngang qua", cô nói. Bình thường, Hoa đi từ nhà ở ngõ 79 Cầu Giấy đến văn phòng ở phố Duy Tân mất khoảng 10 phút cho quãng đường 2,5 km. Sáng nay, khi vừa dắt xe ra khỏi nhà, cô thấy nhiều đoạn trong ngõ đã ngập ngang bánh xe. Tự tin đi xe số với gầm cao, động cơ khỏe có thể "bơi" qua những chỗ ngập nhưng Hoa càng đi mức ngập càng lớn.
Đến đường Thành Thái, cách cơ quan hơn một km, phía trước lại xuất hiện thêm 3-4 điểm ngập sâu đến đầu gối. Tại đây những ôtô gầm thấp và xe máy tay ga đều phải quay đầu. "May mắn tôi cũng đến cơ quan an toàn dù muộn một tiếng, người ướt sũng", Hoa nói.
Người dân chôn chân trước các điểm ngập cục bộ dài hàng trăm mét trên đại lộ Thăng Long. Video: Lộc Chung - Anh Phú
Mưa liên tục từ đêm 27 đến sáng 28/9 khiến hàng loạt tuyến phố lớn ở Thủ đô chìm trong biển nước, giao thông tê liệt từ 7h đến 11h chưa được giải tỏa.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay mưa diện rộng chia làm hai đợt. Đợt đầu từ 0h đến 6h, đợt hai kéo dài một tiếng từ 8h đến 9h sáng 28/9.
Lượng mưa trung bình ghi nhận 50-100 mm kết hợp với mực nước trên hệ thống sông, hồ đang ở ngưỡng cao, khiến hàng loạt khu vực như Phú Xá, khu đô thị Resco, Hoa Bằng, Dương Đình Nghệ - Keangnam, Phan Văn Trường, Trần Bình, Nguyễn Chính, Huỳnh Thúc Kháng, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Tố Hữu, hầm chui Đại lộ Thăng Long, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Xiển, Triều Khúc, Quang Trung, Tô Hiệu (Hà Đông) ngập úng, đi lại khó khăn.

Người dân di chuyển khó khăn qua đoạn đường ngập sâu trên đường Thành Thái, quận Cầu Giấy, lúc 10h sáng 28/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
8h sáng, chị Minh Thu rất chật vật mới vượt qua được quãng đường từ đường Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm đến cơ quan ở Trung Kính, quận Cầu Giấy. Thấy đường Lê Đức Thọ tắc, chị đi tắt qua làng Phú Mỹ nhưng càng tiến sâu, đường càng ngập nặng, có những đoạn nước ngang thân xe. Cố đi được một đoạn xe chết máy, chị Thu phải xuống dắt bộ. Chiếc xe máy vốn nặng, nay thêm lực cản của nước cộng với áo mưa vướng víu khiến chị gần như không thể di chuyển, nhiều lúc bất lực muốn phát khóc.
"Mỗi lần mưa, đi qua đường trong làng là thoát tắc. Tôi chưa bao giờ gặp cảnh ngập sâu như hôm nay", người phụ nữ 40 tuổi, nói. "Chưa bao giờ đường từ nhà tới cơ quan lại xa và mất sức như vậy". Chị Thu đến cơ quan muộn 1,5 tiếng sau khi vượt qua quãng đường bình thường chỉ tốn khoảng 20 phút.

Đường Hoàng Quán Chi, quận Cầu Giấy ngập sâu khiến các phương tiện không dám di chuyển qua, 9h30 sáng ngày 28/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
Anh Nguyễn Sơn ở quận Long Biên phải dắt bộ xe máy đến cơ quan muộn hơn một tiếng so với ngày thường. Chàng trai 27 tuổi kể, những lần mưa lớn trước, xe của anh vẫn di chuyển được qua đoạn ngập nhưng hôm nay đến đoạn Khúc Thừa Dụ chiếc xe đột nhiên chết máy. Hết cách anh đành dắt bộ đến cơ quan, cách đó một km.
Anh Vũ Kiên, một thợ sửa xe lưu động ở quận Cầu Giấy cho biết, từ 7h sáng liên tục nhận được điện thoại yêu cầu cứu hộ xe chết máy do ngấm nước. "Xe của Sơn là chiếc thứ tư tôi sửa trong buổi sáng, còn 3-4 chiếc nữa khách gọi vẫn đang chờ. Do yêu cầu quá nhiều nên tôi chưa thể nhận thêm", anh Kiên nói.

Anh Nguyễn Sơn (ngoài cùng bên trái) gọi thợ đến tầng hầm của công ty để sửa xe chết máy, 10h sáng ngày 28/9. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
Ghi nhận của VnExpress, đến 11h30, nước chưa rút hết, giao thông vẫn ách tắc. Trục đường từ hầm chui Lê Văn Lương, Tố Hữu đến ngã tư Lương Thế Vinh không xảy ra ngập sâu nhưng tắc đường suốt 4 tiếng. Nhiều người dân đi xe máy không thể di chuyển, phải dừng đỗ trên vỉa hè chờ đường thông trở lại.
Trưa 28/9, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát cảnh báo, khu vực nội thành Hà Nội tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 30-60 mm, có nơi trên 80 mm. Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến 30-40 cm, một số nơi ngập sâu hơn từ 50 đến 70 cm.
Đoạn đường trên phố Thành Thái, quận Cầu Giấy ngập sâu khiến các phương tiện di chuyển khó khăn, sáng 28/9.
Đầu giờ chiều, thấy trời vẫn tiếp tục mưa, nhiều tuyến đường chưa rút nước, Thúy Hoa dự định xin cấp trên cho về sớm, tránh tắc đường hoặc chuyển lộ trình với những đoạn ngập sâu. Chị cũng đã đặt xe của nhà trường để đưa con gái đang học mầm non về nhà. "Dù tắc hay ngập, nhanh hay chậm, con được ôtô chở về cũng an toàn hơn xe máy", chị nói.
Với chị Thu, sau khi nhận thông tin hầm để xe chung cư không thể sử dụng do chặn cửa chống ngập từ trưa, chị quyết định để xe ở cơ quan và đặt xe ôm về.
Quỳnh Nguyễn - Hải Hiền