Do phần lớn các nhà băng đã điều chỉnh dần lãi suất về dưới trần cũ (7,5%) nên thông báo giảm lãi suất lần này không có quá nhiều biến động. Tại các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số nhà băng cổ phần thuộc "top" đầu, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng đến nay chỉ quanh 6 - 6,5%. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thuộc quy mô vừa tại Hà Nội thì cho biết, trước mắt nhà băng vẫn phải giữ mức huy động bằng với trần (7%). "Nếu giảm sâu quá sẽ khó huy động cho chúng tôi", vị này giải thích.

Theo ghi nhận của VnExpress, trong ngày đầu tiên hạ trần lãi suất dưới 6 tháng về 7% một năm, phần lớn giao dịch tại các ngân hàng ở Hà Nội và TP HCM không có nhiều thay đổi. Lúc 10h, giao dịch tại một chi nhánh của Eximbank nằm trên địa bàn quận I, TP HCM cũng giống như mọi ngày, không có nhiều hiện tượng đổi sổ sang kỳ hạn dài hơn như một số đợt giảm lãi suất trước. Một khách hàng tại đây cho biết, nhìn lãi suất tiết kiệm liên tục hạ cũng xót xa nhưng cũng vẫn quyết gửi 500 triệu đồng kỳ hạn 3 tháng. "Tôi không hiểu lắm chuyện dỡ trần lãi suất nhưng thấy các kỳ hạn dài, lãi suất cũng chẳng chênh lệch nhiều lắm nên vẫn muốn gửi 3 tháng cho linh hoạt", khách hàng này cho hay.
Chia sẻ tâm lý này, một lãnh đạo của NamA Bank cho biết, lâu nay khách hàng rất chuộng kỳ hạn ngắn để linh hoạt nguồn vốn. Mặt khác, họ cảm thấy không yên tâm khi gửi dài do lãi suất lên xuống quá thất thường. Do đó, tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn, chủ yếu là 1-3 tháng tại nhà băng thường chiếm 50-60% trong cơ cấu vốn.
Lần điều chỉnh vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có bước đi tiếp theo trong lộ trình dỡ bỏ mệnh lệnh hành chính qua việc áp trần lãi suất huy động khi cho phép các ngân hàng tự quy định chi phí đầu vào với khoản tiền từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, dù đã chính thức được "bật đèn xanh" nhưng hầu như các ngân hàng không mấy hào hứng nâng lãi suất các kỳ hạn dài khi biểu phí niêm yết không có nhiều điều chỉnh. "Điều này cũng phần nào khiến người dân kém mặn mà với các kỳ hạn dài và vẫn trung thành gửi sổ tiết kiệm từ 1 - 3 tháng", nữ giao dịch viên tại ngân hàng trên phố Xã Đàn (Hà Nội) giải thích.
Một trong những lý do khiến không có sự xáo động lớn từ người gửi tiền được các ngân hàng giải thích là nhờ động tác giảm song song lãi suất VND lẫn USD. Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, đây là động thái rất đồng bộ, giúp tăng giá trị tiền đồng và ngăn tâm lý găm ngoại tệ của người dân.
Lãnh đạo của Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng cho rằng trong bối cảnh thanh khoản dồi dào như hiện nay, chẳng có lý do gì các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất huy động. "Ngân hàng nào làm vậy thì càng thiệt thòi thêm vì giờ những doanh nghiệp tốt chỉ chấp nhận mức lãi suất quanh 8-9%. Nếu anh huy động cao thì sẽ phải cho vay đắt, như vậy sẽ không với được những khách hàng tốt, may ra thì còn doanh nghiệp yếu hơn chấp nhận được. Khi đó thì rủi ro có thể càng cao", ông phân tích.
Trưởng phòng nguồn vốn của một ngân hàng quốc doanh cũng dẫn chứng:" Thị trường liên ngân hàng hiện nay lãi suất rất thấp mà cũng chẳng có mấy ngân hàng vay đủ thấy vốn khả dụng của các ngân hàng hiện nay lớn thế nào". Vị này khẳng định với các ngân hàng top đầu, đợt giảm lãi suất này không có gì bất ngờ và được họ đón đầu từ trước. Do đó không có nhiều thay đổi về nguồn vốn huy động nhưng lại có ý nghĩa giúp họ giảm chi phí đầu vào.
Lệ Chi - Thanh Lan