Theo Acient Origins, người phụ nữ này được xem là một hiện tượng siêu nhiên ở thời đại của bà. Eusapia Palladino sinh ngày 21/1/1854 ở Italy. Bà kết hôn với Raphael Delgaiz, một nghệ sĩ sân khấu và là một pháp sư từ khi còn rất trẻ. Nhiều người cho rằng, bà đã học hỏi được nhiều từ khả năng đặc biệt của người chồng đầu tiên. Sau này, bà kết hôn với Francesco Niola, một thương gia.
Thời đó, có nhiều người hoài nghi khả năng của bà. Họ cho rằng, đó chẳng qua chỉ là một trò ảo thuật. Trong quá trình giao tiếp với người chết, bà thường làm cho một chiếc bàn bay lơ lửng trong không trung. Dù vậy, những buổi gọi hồn của bà vẫn đông kín người xem, những người tin tưởng khả năng đặc biệt của bà.
Danh tiếng của Palladino bắt đầu từ Ba Lan. Bà đến đất nước này lần đầu và ở lại từ tháng 11/1893 cho đến tháng 1/1894 theo lời mời của nhà tâm lý học Julian Ochorowicz. Tại đây, bà có dịp quen biết nhà văn Ba Lan Bolesław Prus. Ông đã tham dự rất nhiều buổi gọi hồn của Palladino và ca ngợi bà hết lời trên báo chí. Sau này, bà cũng chính là nguồn cảm hứng để ông viết nên cuốn tiểu thuyết Pharaoh. Lần thứ hai bà quay lại Ba Lan là vào năm 1898.
Danh tiếng từ Ba Lan đưa bà đến Anh vào năm 1895. Đây cũng là nơi lần đầu tiên bà vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ. Một tờ báo Anh đã thẳng thắn đòi trục xuất Palladino và cho rằng không có cơ sở khoa học nào để coi bà là người có khả năng gọi hồn.
Xác nhận từ Marie và Pierre Curie
Sau này, Palladino đến Pháp và trở nên nổi tiếng tại đây. Năm 1898, nhà chiêm tinh học Eugene Antoniadi đã điều tra xem năng lực của bà có thực hay không và kết luận rằng, đó là một trò lừa đảo từ đầu đến cuối. Nhiều nhà khoa học khác cũng muốn tìm hiểu khả năng của bà. Dẫn đầu nhóm này chính là vợ chồng nhà khoa học nổi tiếng Marie Curie và Pierre Curie.
Buổi gặp gỡ đầu tiên diễn ra năm 1905 không chỉ với vợ chồng Curie mà còn có các nhà khoa học khác như Charles Richet, Henri Bergson, Jacque-Arsene d'Arsonval, William Crookes, Jean Perrin, Louis Geroges Gouy, và Paul Langevin.
Pierre Curie đã ghi chép lại việc này như sau:
"Chúng tôi đã dự nhiều buổi gọi hồn của bà Eusapia Palladino tại Trung tâm Nghiên cứu Tâm linh. Quả thực rất thú vị. Bốn chân bàn từ từ bị ai đó nhấc bổng lên. Các đồ vật tự di chuyển. Có bàn tay ai đó cấu véo hay vuốt ve bạn. Những bóng ma thấp thoáng. Những hiện tượng này quả thực không thể giải thích được", ông viết.
"Trong những buổi gọi hồn này, chúng tôi bố trí vài người tham dự. Chúng tôi biết rõ những người này, và không ai có thể là kẻ đồng lõa hay trợ giúp cho bà Palladino. Căn cứ duy nhất để người ta nghi ngờ, đó là bà đồng này thực chất là một nhà ảo thuật. Nhưng bạn giải thích thế nào đây, khi mà trong suốt quá trình, có người giữ tay, người giữ chân bà ấy. Và ánh sáng thì đủ để chúng ta thấy rõ mọi việc".
Vợ chồng nhà khoa học Curie nhìn nhận trường hợp của Palladino dưới góc độ khoa học. Họ ghi chép và trao đổi với các nhà nghiên cứu khác. Họ dường như muốn tìm kiếm nguồn gốc của năng lực đặc biệt này. Chính sự vào cuộc của các nhà khoa học nghiêm túc như Pierre Curie khiến Palladino trở thành bà đồng có sức ảnh lưởng lớn nhất trên thế giới.
Từ Pháp, Italy đến Mỹ, Palladino càng đi nhiều nơi thì càng trở nên nổi tiếng và kéo theo nhiều sự nghi ngờ.
Ngày càng có nhiều nhà khoa học đến dự các buổi gọi hồn. Họ muốn biết tại sao những người nổi tiếng như Piere Curie và Marie Curie ngưỡng mộ bà. Trên hết, họ muốn giải thích các hiện tượng. Nhà khoa học Mỹ nổi tiếng Charles Sanders Peirce đã viết:
''Eusapia Palladino là một kẻ lừa gạt xuất sắc. Ông Carrington, người từng dự những buổi gọi hồn, cho biết, ông nhận thấy Palladino có chân gỗ, giúp bà thực hiện các trò tiểu xảo. Tuy nhiên cũng có những lần ông không thể giải thích được. Ông đưa ra giả thuyết rằng hiện tượng đó là siêu nhiên hoặc dị thường".
Palladino dường như không quan tâm đến những lời gièm pha, chỉ trích. Bà đồng ý tổ chức một buổi gọi hồn tại phòng thí nghiệm vật lý của Đại học Columbia. Trước các nhà ảo thuật và các nhà khoa học, bà lại một lần nữa chứng tỏ khả năng của mình.
Vào năm 1910, các nhà nghiên cứu phát hiện ra bà dùng chân trái để nâng chiếc bàn lên. Điều này một lần nữa dấy lên nghi ngờ rằng bà là kẻ lừa đảo. Nhà tâm lý học người Mỹ Stanley LeFevre Krebs đã viết một cuốn sách với tựa đề Mánh khóe của Eusapia Paladino.
Trong khi đó, nhiều người xác nhận rằng họ có thể nói chuyện với những người thân đã qua đời thông qua Palladino. Ngay cả các nhà khoa học cũng bị thuyết phục khi nhận được những thông tin bà đưa ra sau khi trò chuyện với người thân của họ. Một lần, bà thậm chí còn có thể gọi hồn và nói chuyện với Vua John của nước Anh, mất năm 1216.
Nếu Eusapia Palladino quả thực có khả năng phi thường, bà có thể bị coi là mối nguy hiểm với các chính trị gia, ảo thuật gia và thậm chí với các nhà khoa học. Nhiều người muốn giải mã các bí ẩn xung quanh bà nhưng cho đến nay, vẫn không ai chắc chắn được rằng bà là nhà ảo thuật có khả năng mê hoặc khán giả hay bà là người có khả năng phi thường.
Ngô Minh