"Họ coi rau muống như cần sa vậy", bà Le Dam Doan nhớ lại thời điểm đó, cũng như cảm giác thiếu một trong những nguyên liệu nấu ăn quen thuộc. Trong hơn ba thập kỷ sống ở California và Maryland trước đó, vợ chồng bà chưa từng chứng kiến lệnh cấm rau muống nào do chính quyền địa phương đưa ra.
Lệnh cấm rau muống của bang Georgia khiến bà ngạc nhiên, bởi hai vợ chồng quyết định chuyển tới thành phố Lawrenceville một phần vì cộng đồng người Việt lâu đời tại đây. Bà Doan hiện là thành viên Hội đồng Người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương và Cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở bang này.
Tại Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác, rau muống, loại thực vật phát triển mạnh ở sông hồ và nơi ẩm ướt, là thực phẩm rất được ưa chuộng.
Nhưng ở bang Georgia, đông nam nước Mỹ, rau muống từng bị coi là bất hợp pháp, do giới chức coi đây là loài xâm hại, có thể ảnh hưởng đến các loài thực vật bản địa.
Bởi vậy, người gốc Á sống ở Georgia thường phải tìm mua rau muống từ Florida và Texas, hai bang không cấm sản phẩm này, rồi vận chuyển vào Georgia. Họ phải lén bán rau muống trên ôtô tại các bãi đậu xe siêu thị, hoặc giao tận nhà khách hàng.
Jenny Vo, giám đốc điều hành hai siêu thị địa phương là City Farmers Market và Hong Kong Supermarket, cho biết giá rau muống trên thị trường chợ đen lúc đó có thể lên tới 22 USD mỗi kg, cao gấp ba lần giá bình thường ở các bang khác. "Khi tới nhà hàng và muốn ăn rau muống, bạn phải hỏi thật khéo như 'Các anh có món đó không'. Bạn phải trải qua cả một thử thách chỉ để được thưởng thức một loại rau", cô nói.
Hơn một thập kỷ trước, Hong Kong Supermarket bắt đầu hành trình đấu tranh để hợp pháp hóa rau muống ở bang Georgia, bằng cách thu thập chữ ký trực tuyến và trực tiếp tại các quầy hàng.
Ông Ben Vo, chủ sở hữu siêu thị Hong Kong Supermarket và là bố của Jenny Vo, theo dõi sát sao quy định ở các bang khác về rau muống, như bang Texas coi đây là loại thực vật có nguy cơ xâm hại thấp và áp dụng các quy định kiểm soát phù hợp. Ông nêu ra những thực tế này trong đơn kiến nghị gửi chính quyền Georgia.
Sau khi nhận đơn kiến nghị và thảo luận với các thành viên cộng đồng như bà Doan và ông Vo, Pedro Marin, nghị sĩ bang Georgia, năm 2016 công bố dự luật miễn trừ rau muống khỏi danh sách "các loài thực vật gây hại" để mở ra cơ hội tự do canh tác loài cây này, song bị bác bỏ.
Ông Marin cho hay Bộ Nông nghiệp Mỹ (USAD) lo ngại rằng việc xử lý nguồn nước canh tác rau muống sẽ là vấn đề. "Nước trồng rau muống có thể mang theo thứ gì đó chảy vào các nguồn nước khác, nguy cơ châm ngòi cuộc khủng hoảng rau muống", ông giải thích lý do dự luật bị bác.
Nhưng quan điểm này vấp phải nhiều hoài nghi, khi các nhà phê bình cho rằng việc đưa ra quy định khắc nghiệt với rau muống là không cần thiết, bởi đưa một loài mới vào môi trường "không phải lúc nào cũng có hại". Họ lập luận rằng khi dân số Mỹ trở nên đa dạng hóa, thái độ đối với các loại cây như rau muống và rau cần cũng có thể thay đổi.
Rau muống tiếp tục là chủ đề nóng trong cuộc bầu cử năm 2021 ở bang Georgia, khi nghị sĩ Marvin Lim phát hiện loại rau này trong chuyến thăm ngôi làng nơi mẹ ông sinh ra tại Philippines.
Ông Lim đã tham khảo ý kiến từ các chuyên gia ở Florida và Texas, tìm hiểu về cách các bang này canh tác rau muống trong nhà kính mà không gây hại môi trường. Trong khi đó, bà Doan và những người gốc Việt khác cũng tiếp tục nỗ lực của mình và đã thu thập được hơn 100.000 chữ ký đề nghị hợp pháp hóa rau muống ở Georgia.
Các thành viên trong cộng đồng tiếp tục phát tờ rơi ủng hộ rau muống tại sự kiện vận động tranh cử của nghị sĩ gốc Việt Bee Nguyen. Họ cũng tổ chức cuộc thảo luận với ủy viên nông nghiệp bang khi đó là Gary Black, nhấn mạnh tầm quan trọng của loại rau này trong đời sống của cộng đồng gốc Á.
Sau khi lắng nghe ý kiến từ cộng đồng, ông Black không trình dự luật hợp pháp hóa rau muống như cách ông Marin từng làm vào năm 2016, mà đưa ra một giải pháp "lách luật".
Năm 2022, ông thông báo với USAD về thay đổi lập trường của Cục Nông nghiệp Georgia (GDA), cho phép các nhà hàng tại bang Georgia có thể nhập và đưa rau muống vào trong thực đơn.
Khi lệnh cấm bán rau muống được dỡ bỏ, nhu cầu tại Hong Kong Supermarket tăng cao đến mức ông Ben Vo phải thúc giục con gái đặt cọc cho các nhà cung cấp ở Texas để đảm bảo nguồn cung ổn định.
Cục Nông nghiệp Georgia khi đó dự kiến người dân có thể bắt đầu trồng rau muống trong năm nay, nhưng cơ quan này, hiện do ủy viên Tyler Harper đứng đầu, vẫn trong quá trình đánh giá các quy tắc liên quan. Khi quá trình này hoàn thành, Harper mới quyết định liệu Georgia có thể trở thành bang thứ 5 của Mỹ cho phép trồng rau muống hay không, nếu được thì trồng thế nào.
Bà Doan cho biết các siêu thị, tiệm tạp hóa hiện chỉ bán ngọn rau muống, loại bỏ phần gốc để cây không thể được trồng lại. "Họ cắt gốc rất sâu để không sót lại phần rễ nào khi khách hàng mang rau về nhà", bà nói.
Dẫu vậy, người dân ở Georgia vẫn rất vui mừng về những tiến bộ đạt được đến nay. Rau muống hiện được bày bán công khai tại các tiệm tạp hóa ở Georgia với giá 6 USD mỗi kg. Khách hàng ở Hong Kong Supermarket gọi giám đốc Jenny Vo là "quý cô rau muống".
"Mọi người không còn phải đắn đo suy nghĩ về chuyện mua rau muống nữa, đó là món ăn không thể thiếu hàng tuần", Jenny Vo nói.
Đức Trung (Theo Atlanta Magazine)