Hôm 6/10, với sự giúp đỡ từ các nhà hoạt động xã hội, Kartika Puspitasari, 40 tuổi đã từ Indonesia trở lại Hong Kong để tiếp tục vụ kiện vợ chồng gia chủ.
Kartika là nạn nhân của vụ bạo hành nổi tiếng nhất với người giúp việc gia đình ở Hong Kong, diễn ra năm 2010.
Theo tài liệu tòa án, cô bị đôi vợ chồng trú ở quận Tai Po hành hạ suốt hai năm, 2010-2012 bằng xích xe đạp, bàn ủi quần áo nóng, máy cắt giấy và móc áo, thanh sắt nung nóng. Việc bạo hành để lại cho cô 45 vết sẹo.
Năm 2013, vợ chồng gia chủ bị tòa tuyên phạt 3 năm 3 tháng và 5 năm 6 tháng tù với tội Cố ý gây thương tích và Hành hung gây tổn thương cơ thể. Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án vào năm 2014. Mức bồi thường dân sự là 160.000 USD song đôi vợ chồng vẫn chưa thực hiện.
Hai người mãn hạn tù được nhiều năm song trong phiên tòa hôm 6/10 họ không xuất hiện cũng không nhờ luật sư tham gia tố tụng.
Kartika nói hiện không còn có thể làm việc trong điều kiện nhiệt độ cao, cơ thể hiện nhiều sẹo, tâm lý vẫn tổn thương. Cô trắng tay trở về nhà ở Indonesiavào năm 2014. Suốt hai năm làm việc cho vợ chồng chủ, cô không được trả lương.
"Tôi cảm thấy hình phạt với hai người không tương xứng với sự tra tấn và ngược đãi vô nhân đạo đã gây ra. Nhưng tôi tôn trọng quy định của chính quyền Hong Kong. Tôi chỉ hy vọng rằng không còn những người giúp việc gia đình nhập cư phải chịu chung số phận như tôi", Kartika nói sau phiên tòa.
Thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 15/12 tới.
Bà Eni Lestari, phát ngôn viên của Cơ quan điều phối người di cư châu Á tại Hong Kong, cho biết Hong Kong là nơi sinh sống của khoảng 340.000 lao động giúp việc gia đình nhập cư, chủ yếu là phụ nữ đến từ Indonesia và Philippines. Trường hợp của Kartika là "cực đoan, nhưng không phải là trường hợp cá biệt".
Những người lao động nhập cư bị lạm dụng thường thiếu thức ăn và giờ nghỉ ngơi. Họ thường phải làm việc hầu như mọi giờ giấc, nhận trung bình chỉ 600 USD mỗi tháng, bà Eni Lestari cho hay.
Hải Thư (Theo SCMP, Straits Times, BBC)