Các nhà lập pháp và bảo vệ quyền lợi của người giúp việc ở Indonesia đang hối thúc chính phủ nước này nhanh chóng thông qua luật bảo vệ người giúp việc, sau vụ Siti Khotimah bị cả gia đình nhà chủ hành hạ gây bức xúc dư luận.
![Siti Khotimah kể về cảnh ngược đãi khi đi làm thuê ở Jakarta ngày 27/7. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/11/33QT9ZT-preview-1385-1691717382.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=GX5XX1xZFquZ8j4ps6-Ucw)
Siti Khotimah kể về cảnh ngược đãi khi đi làm thuê ở Jakarta ngày 27/7. Ảnh: AFP
Tháng trước, bà chủ giàu có 70 tuổi của Siti đã bị tòa án tuyên 4 năm tù vì bạo hành thể xác cô, trong khi chồng, con gái và 6 người giúp việc khác bị kết án ba năm rưỡi.
"Tôi rất thất vọng. Mức án quá nhẹ so với chuyện tôi đã gặp. Đáng lẽ họ phải được cảm nhận những gì tôi đã chịu đựng", cô vừa khóc vừa nói.
Siti, 24 tuổi, tìm được công việc giúp việc qua Facebook năm ngoái. Cô rời quê ở miền trung Java tới thủ đô Jakarta với hy vọng kiếm tiền giúp bố mẹ trả nợ. Vài tuần sau khi đến nhà chủ hồi tháng 4/2022, Siti bắt đầu bị lạm dụng và ngược đãi, khi một người giúp việc khác cáo buộc cô ăn cắp.
Siti tiếp tục bị cáo buộc ăn cắp nhưng cô phủ nhận và bị ngược đãi tới tháng 12/2022. Cô thậm chí bị chủ ép uống chất thải của chó.
"Tôi bị nhiều người xông vào đánh, bà chủ dội nước sôi lên người, sau đó họ xích tôi lại", Siti kể.
Suốt 8 tháng làm việc, cô không nhận được đồng lương nào trừ 99 USD được trả trước khi bị đưa về nhà ở Trung Java. "Tôi đã rất sợ tài xế sẽ đuổi mình xuống giữa đường vì trông tôi không còn giống con người nữa", Siti nói.
Mẹ của Siti phát hiện con gái lúc 3h trên sàn nhà trong tình trạng máu và mủ chảy ra từ vết bỏng trên chân, hai cánh tay chi chít vết bỏng thuốc lá, tóc ngắn lởm chởm.
"Con bé khóc không thành tiếng. Tôi đánh thức chồng dậy, bảo ông ấy 'Con về nhà rồi nhưng sắp chết'", Eni Sopiyah, mẹ của Siti, nói.
![Vết sẹo bỏng trên chân của Siti. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/11/33QU22P-preview-2054-1691717382.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7q7pnCZdWL2XhWQFMI5JHg)
Vết sẹo bỏng trên chân của Siti. Ảnh: AFP
Gia đình cô báo cảnh sát. Nghi phạm bị bắt khi Siti được chuyển tới bệnh viện ở Jakarta và điều trị suốt 4 tháng ở đó. Sau nhiều tháng bị tra tấn, chân cô bây giờ chằng chịt vết sẹo bỏng, đi lại khập khiễng.
"Mỗi khi nhớ đến chuyện đã gặp, tôi lại đau đầu", Siti nói.
Siti không phải người giúp việc duy nhất bị bạo hành ở Indonesia, đất nước chưa có luật bảo vệ người giúp việc gia đình khiến hơn 4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ, dễ bị bạo hành.
Dự thảo luật về người giúp việc vẫn chưa được hoàn thiện dù đã đưa ra thảo luận gần 20 năm qua và các nhà hoạt động cho rằng chính phủ cố ý trì hoãn. Theo khung pháp lý hiện hành, người làm nghề giúp việc không được coi là người lao động, buộc họ phải làm việc trong nền kinh tế phi chính thức và không có quy định bảo vệ.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cho rằng chính quyền cần hành động mạnh mẽ hơn để hỗ trợ người làm nghề giúp việc gia đình ở Indonesia.
"Siti không phải trường hợp đầu tiên chịu tình cảnh địa ngục trần gian như vậy. Phản ứng của chính phủ luôn đi sau", Tiasri Wiandani, chuyên gia của Ủy ban Quốc gia về Xóa bỏ Bạo lực với Phụ nữ, nói.
Bất chấp nguy cơ bị ngược đãi và lạm dụng, phụ nữ từ các vùng nông thôn như Siti vẫn phải tới thành phố lớn làm việc do đói nghèo.
"Chúng tôi nợ tiền người làng, không còn lựa chọn nào khác", cô nói.
![Người biểu tình yêu cầu quốc hội thông qua luật bảo vệ người giúp việc ở Indonesia tại Jakarta ngày 27/7. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/08/11/33QT9ZM-preview-4683-1691717382.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3jJchjcD57IYS3QPV9j-ow)
Người biểu tình yêu cầu quốc hội thông qua luật bảo vệ người giúp việc ở Indonesia tại Jakarta ngày 27/7. Ảnh: AFP
Trong khi hồi phục sức khỏe tại Jakarta, Siti cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh vì bản thân và những người giúp việc khác. Với sự giúp đỡ của nhóm nhân quyền Jala PRT, cô tiếp tục nộp đơn tố cáo chủ lao động tội cưỡng hiếp theo luật chống lạm dụng tình dục và buôn người.
"Tôi hy vọng luật bảo vệ người giúp việc gia đình sẽ được thông qua ngay lập tức để không còn người nào chịu cảnh như tôi", Siti nói. "Hãy để tôi là người cuối cùng trải qua chuyện đó".
Hồng Hạnh (Theo AFP)