Hàng ngày ông Đạt miệt mài nắn nót những vần thơ, câu liễn đối tri ân công đức bậc tiền nhân từng giong buồm ra biển Đông đo đạc hải trình, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh hải.

Nghệ nhân Võ Hiển Đạt ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn vừa hoàn thành cuốn "Gia lễ tổng hợp" cùng nhiều cuốn sổ thơ, liễn đối về Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Trí Tín.
5 năm qua, ông đã tự biên soạn và hoàn thành cuốn “Gia lễ tổng hợp” (liễn đối, hoành phi, tang tế, hôn lễ...) dày hơn 500 trang, biên dịch nhiều cuốn thơ cổ, sáng tác nhiều trang thơ, câu đối về Hoàng Sa, Trường Sa. Quý trọng ông uyên thâm Nho học lại viết chữ đẹp, mỗi lần trùng tu đình làng, nhà thờ hay nhà cổ, các tộc họ thường mời ông Đạt giúp chạm khắc, tạc chữ thổi hồn cho di tích.
Ông Đạt cho biết, sách Đại Nam thực lục chính biên triều Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân 1836, từng chú trọng Hoàng Sa là "Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu" (Viện sử học dịch nghĩa: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa được xem là đặc biệt quan trọng). Dòng chữ này ông Đạt đã cất công cả tháng trời đo vẽ, chạm khắc mềm mại, tinh xảo trên cụm tượng đài Hải đội Hoàng Sa ở trung tâm huyện đảo Lý Sơn để lại ấn tượng mạnh trong lòng du khách.
"Chừng nào tôi còn khỏe thì bà con, các tộc họ trên đảo nhờ gì tôi sẵn lòng giúp đỡ. Bây giờ tuổi cao, sức yếu không biết lìa đời lúc nào nên tôi luôn tự nhủ phải làm điều gì đó lưu lại cho con cháu đời sau", ông Đạt thổ lộ.
Ngồi giữa gian nhà cổ, ông Đạt chậm rãi lật giở trang thơ ngâm nga: Ân đức dựng xây miền đảo lý, công lao không xiết kể/ Tinh thần bảo vệ dải Hoàng Sa, sử sách vẫn còn ghi. Hay Nghĩa sĩ phương danh ngàn năm còn chép /Anh hùng lưu dấu các triều ngợi khen. Giao vọng Hoàng Sa hoài Tổ quốc/ Dương ba đông hải niệm y hồn.

Mô hình khinh thuyền Hoàng Sa do nghệ nhân Võ Hiển Đạt phục dựng phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: Trí Tín.
Ông Đạt nhớ, thuở nhỏ nghe ông bà kể triều đình nhiều lần ban bố lệnh tuyển binh phu đi Hoàng Sa, trong đó chủ yếu chọn ngư binh từ đảo Lý Sơn, bởi lẽ người dân nơi đây giỏi nghề lặn biển lại sẵn có thuyền câu và địa thế gần Hoàng Sa nhất. Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều trai tráng, dân làng ở đảo Lý Sơn vâng mệnh triều đình ra khơi, vừa tìm kiếm sản vật dâng vua, đo đạc hải trình, vừa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Ngày ấy ra Hoàng Sa là việc vô cùng gian khó, 100 người đi thì may mắn lắm mới có một người trở về. Họ ra khơi trên những thuyền câu mong manh lênh đênh muôn trùng sóng gió suốt 6 tháng trời, đối mặt với nhiều hiểm nguy. Xúc động trước ân tình, ông Đạt viết: Công đức trọng vô biên, sơ khai dựng xây miền đảo lý/ Tinh thần cao chí cực, kế tục dải Hoàng Sa. Giữ Hoàng Sa, Trường Sa công cao như Nam Hải/ Giúp tổ quốc danh trọng tợ Thái Sơn.
Không chỉ làm thơ, chạm khắc liễn đối tri ân Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa trên các đình làng, nhà cổ ở các tộc họ, ông Đạt còn có công lớn trong việc phục dựng, tái hiện sống động Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong cuốn "Gia lễ tổng hợp", nghệ nhân đã vẽ tỉ mỉ thuyền rồng và nghi thức tế lễ trang nghiêm trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng trăm năm trước.

Thuyền rồng trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hơn 200 năm trước ở huyện đảo Lý Sơn do nghệ nhân Võ Hiển Đạt vẽ lại từ tư liệu của tộc họ Nguyễn ở xã An Hải. Ảnh: Trí Tín.
"Thuở ấy, lễ khao lề Hoàng Sa khá long trọng gồm có cung thỉnh vua, thần, tổ vị pháp sư và tiền hiền trang phục chỉnh tề chứng giám. Tôi đã xin phép tộc họ cho ghi chép tỉ mỉ về nghi thức tế lễ và vẽ lại khinh thuyền Hoàng Sa hình rồng cổ xưa này để phục chế chiếc thuyền buồm lưu lại cho đời sau", ông Đạt nói.
Từ hình vẽ thuyền rồng này, 15 năm qua, ông Đạt thu thập hàng trăm chi tiết, tìm tòi nguyên, vật liệu truyền thống phục dựng hàng chục khinh thuyền Hoàng Sa phục vụ lễ khao lề thế lính Hoàng Sa; trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ngãi và ở Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa.
Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh nói rằng, từ lâu người dân trên đảo quý mến cụ Đạt như người thân trong gia đình. Không chỉ có công lớn trong việc chạm khắc, thu thập nhiều tài liệu quý bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, ông còn được du khách ví là bảo tàng sống về Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho hay, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Việt Nam đã đồng ý lập hồ sơ công nhận cụ Đạt là nghệ nhân văn hóa dân gian ở đảo Lý Sơn.
"Ông Đạt có công lớn trong quá trình tôn tạo, trùng tu di tích đặc trưng văn hóa biển, góp phần phục dựng, bảo tồn lễ khao lề thế lính Hoàng Sa", ông Vũ nhấn mạnh.
Trí Tín