Trước khi sang Đức định cư, bà Nhung, 53 tuổi, từng có nhiều năm kinh nghiệm làm giáo viên giảng dạy nghề may tại Việt Nam. Sau khi ra nước ngoài, dù trải qua nhiều khó khăn, đam mê với tà áo dài Việt chưa bao giờ nguội tắt trong bà.
Nhớ lại thời điểm mới sang Đức năm 1998, bà chia sẻ: "Vì muốn đoàn tụ với chồng nên tôi quyết định sang Đức. Thời gian đầu, vợ chồng tôi cũng đã trải qua nhiều nghề khác nhau để trang trải cuộc sống, trong đó có nghề giao hàng ở các chợ người Việt. Và thời điểm đó, cộng đồng người Việt Nam chưa lớn mạnh như bây giờ nên việc mở cửa hàng áo dài là một mơ ước xa vời đối với tôi".
Sau hơn 10 năm ở Đức, bà Nhung và chồng cuối cùng cũng tích cóp được một số vốn đủ để thực hiện giấc mơ của mình. Cửa hàng Áo dài Vân Nhung ra đời trong một trung tâm thương mại của người Việt tại Berlin, dù không lớn nhưng chứa đựng nhiều tâm huyết của người phụ nữ này với quốc hồn quốc túy.
Trải qua một chặng đường 5 năm kể từ khi ra đời, Áo dài Vân Nhung đã tạo được uy tín lớn trong cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Vải để may áo dài được nhập chủ yếu từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam. Chất liệu vải rất đa dạng, từ lụa tơ tằm cho đến gấm cao cấp.
Bà Nhung cho biết ngoài lượng khách hàng chủ yếu là người Việt Nam, bà cũng từng phục vụ nhiều khách Đức. Ban đầu, họ chủ yếu tìm đến với áo dài Việt vì tò mò, sau đó dần yêu mến rồi giới thiệu cho nhiều người khác. Trung bình mỗi tháng bà nhận may 7-10 đơn hàng. Bà cho biết thêm mình cũng không nhận may áo dài đồng loạt để mỗi sản phẩm ra đời đều hoàn thiện và chỉnh chu nhất.
"Tôi luôn tâm niệm rằng áo dài may ra là để phục vụ cho khách hàng, tôn vinh vóc dáng người mặc, vì thế tôi luôn tư vấn tận tình cho từng khách và tỉ mỉ trong từng thiết kế", bà chia sẻ.
Ngoài công việc chính là may đo áo dài cho khách hàng, Áo dài Vân Nhung còn tham gia trình diễn trong các sự kiện lớn của các hội đoàn người Việt tại Đức.
"Từ nhỏ tôi đã có đam mê với tà áo dài Việt, vì thế tôi dành tất cả tâm huyết cho thương hiệu Áo dài Vân Nhung. Tôi không mong gì lớn lao, chỉ mong góp sức nhỏ của mình nhằm gìn giữ một nét đẹp của văn hoá Việt, ngoài ra cũng muốn giới thiệu nó đến với bạn bè quốc tế. Áo dài của Việt Nam được rất nhiều người Đức khen ngợi và nể phục vì đơn giản mà vô cùng tinh tế", bà nói.
Tuấn Hồ, nam sinh thuộc Hội sinh viên Việt Nam Berlin - Potsdam, cho hay do sinh ra và lớn lên ở Đức nên cậu không có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn hóa Việt.
"Từ khi biết đến Áo dài Vân Nhung, mình và bạn gái rất thích thú và quyết định tham gia chụp bộ ảnh áo dài cùng hội sinh viên để lưu lại kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. Mình rất thích tìm hiểu về văn hóa Việt Nam và thấy áo dài rất đẹp, không chỉ với nữ giới mà cả các bạn nam như mình", Tuấn Hồ nói.
Nhiếp ảnh gia Thành Trung Vũ, người thực hiện bộ ảnh áo dài, cũng bày tỏ niềm tự hào khi thấy tà áo truyền thống của Việt Nam tung bay giữa trời Âu. "Cái lạnh thấu xương của ngày tuyết rơi không ngăn được nhiệt huyết của các bạn trẻ quảng bá hình ảnh áo dài đến với thế giới", anh nói.
Trong tương lai, bà Nhung dự định mở rộng quy mô cửa hàng. "Tôi cũng muốn tìm kiếm các bạn trẻ có cùng đam mê với tà áo dài Việt để dạy nghề, mong sao thế hệ trẻ Việt Nam ở Đức có thể tiếp tục giữ gìn và phát huy được truyền thống này".
Mai Sơn (từ Berlin)