Tuần trước, trường Quốc tế Harrow ở Hải Nam, một tổ chức giáo dục uy tín của Anh, thông báo với phụ huynh rằng học sinh Harrow phải học tiếng Trung từ lớp 1 đến 9, đồng thời học sinh THCS phải vượt qua bài kiểm tra của nhà nước để tốt nghiệp.
Một thành viên trong nhóm tuyển sinh của Harrow cho biết, sự thay đổi đột ngột này khiến ngành giáo dục quốc tế ở Trung Quốc rơi vào lúng túng.
"Các chính sách giáo dục đã thay đổi đáng kể trong năm nay, và chúng tôi phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ. Mặc dù đến nay chưa có yêu cầu bắt buộc học sinh trường quốc tế phải vượt qua kỳ thi cao khảo của Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn chuẩn bị trước và điều chỉnh giáo trình cho học sinh trung học của mình", nguồn tin cho hay. Cao khảo là kỳ thi toàn quốc nhằm kiểm tra chất lượng học thuật với tất cả học sinh trung học mong muốn theo đuổi bậc đại học.
Học về đạo đức, hệ thống luật pháp, các giá trị cốt lõi và lịch sử Trung Quốc được chính phủ nước này đánh giá là thành phần thiết yếu của giáo dục và cần đưa vào các cơ sở giáo dục tư.
Xiong Bingqi, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 có trụ sở tại Thượng Hải, cho rằng việc quản lý chương trình dạy của các trường quốc tế sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn của phụ huynh, học sinh. "Nhiều gia đình sẽ cho con du học ở độ tuổi trẻ hơn", Xiong nói.
Theo quy định về việc thực hiện Luật Khuyến khích Giáo dục tư thục, các trường quốc tế nếu chỉ cung cấp chương trình giáo dục 6 năm tiểu học, 3 năm THCS sẽ không được cấp giấy phép mới. Còn các trường tư thục do nhà nước quản lý cũng không được sử dụng sách giáo khoa nước ngoài.
Kể từ khi thay đổi luật, trường Quốc tế Harrow là cơ sở tư thục đầu tiên được chính quyền tỉnh Hải Nam yêu cầu nộp đơn để tiếp tục dạy chương trình quốc tế cho học sinh cuối cấp.
Alice Tan, chuyên gia tư vấn du học, cho biết các quy định mới của Trung Quốc "có thể sẽ khiến số lượng học sinh Trung Quốc du học nước ngoài ngày càng giảm trong các năm tới", Tan nói.
Kou Yue, một phụ huynh ở Quảng Đông, cho rằng bối cảnh giáo dục đang thay đổi nhanh chóng. "Ban đầu, chúng tôi dự định cho con gái 10 tuổi học trường quốc tế vào năm tới. Chúng tôi muốn con học theo tư duy phương Tây và phát triển kỹ năng phản biện, sau đó sẽ học tại một đại học nổi tiếng ở nước ngoài", cô nói.
Tuy nhiên, hiện gia đình Yue gặp tình huống tiến thoái lưỡng nan. Ở trường quốc tế, con gái Yue phải học cả tiếng Trung và ngoại ngữ khác, điều này có thể khiến cô bé gặp áp lực học tập nặng nề. Nhưng nếu cho con du học luôn, Yue cũng không yên tâm vì cô bé còn quá nhỏ, gia đình cũng sẽ gặp áp lực tài chính. "Có lẽ chúng tôi phải từ bỏ ý định và cho con học tại một trường công lập địa phương", Yue nói.
Jolin Zhuang, một nhân viên ngân hàng ở Bắc Kinh, cảm thấy thất vọng sau khi hỏi một số trường quốc tế về giáo trình tiểu học sử dụng. "Một số cho biết họ cung cấp khóa học tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục, số khác dạy kết hợp. Tôi đoán là trộn lẫn giữa chương trình ở trường công với các khóa học tiếng Anh", Jolin cho hay.
Trước đây, cô dự định cho con trai ra nước ngoài sau khi con tốt nghiệp trung học. Nếu cậu bé không thể nhận được nền giáo dục mà gia đình mong muốn tại một trường quốc tế ở Bắc Kinh, Jolin có thể đẩy sớm việc du học.
Theo NewSchool Insight Media, một nền tảng dịch vụ cho các trường quốc tế ở Trung Quốc, năm ngoái, hơn 900 trường quốc tế đã đăng ký hoạt động với cơ quan giáo dục nước này, trong đó khoảng 110 trường chỉ chấm nhận học sinh nước ngoài.
Vào đầu tháng 11, trường Westminster, một trong những cơ sở giáo dục tư thục danh tiếng nhất của Anh, cho biết họ sẽ từ bỏ việc xây dựng cơ sở tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sau bốn năm kể từ khi dự án được khởi công. Trường đã hoàn thành việc xây dựng khuôn viên, dự kiến mở cửa vào năm nay. Westminster là trường nước ngoài đầu tiên ở Thành Đô, cũng là trường tiên phong dạy song ngữ ở Trung Quốc.
Trong một bức thư gửi cho các nhân viên và học sinh, Mark Batten, chủ tịch cơ quan quản lý của trường, cho biết đại dịch Covid-19 và "những thay đổi gần đây trong chính sách giáo dục" đã buộc nhà trường phải hủy bỏ toàn bộ dự án.
Thanh Hằng (Theo SCMP)