"Người Việt càng ăn càng xài thì càng giàu". Tôi không ngờ bài viết của mình lại nhận được nhiều tham luận như vậy, dù ờ khía cạnh nào, tôi cũng xin cảm ơn tất cả các ý kiến trên. Nhân đây tôi cũng xin tham gia tranh luận lại như sau:
1. Nếu xài mà dùng đồ nhập thì chỉ giàu cho nước bạn?
Tôi hoàn toàn đồng ý, vấn đề mấu chốt là ở đây. Cũng trong phương trình này, khi tăng C và tăng cả Imp thì hiệu quả trên GDP là bù trừ bằng 0. Ngoài ra hệ lụy còn là lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán.
Thế nên người Việt ơi, hãy nhìn dòng chữ “Made in…” trước khi quyết định mua cái gì nhé. Doanh nghiệp Việt ơi, đừng chăm chăm vào gia công cho nước ngoài nữa mà hãy tập trung làm sản phẩm tốt cho dân ta đây này.
Đừng nghĩ ta kém, chỉ vì ta không làm thôi. Nhiều “đại gia” Việt Nam từng xuất thân từ bán mì gói đấy các bạn ạ!
2. 70%-80% dân ta nghèo, lấy gì để tiêu?
Xin thưa, tiêu tiền và rút tiền ra đầu tư là hai mặt của một vấn đề. Dân không có tiền ư? Các bạn hãy tự cộng lại tổng lượng vàng miếng nhập khẩu VN trong vòng 20 năm trở lại đây rồi nhân với giá trị thị trường hiện nay, nó gấp 100-1000 lần giá trị gói “cứu trợ” hiện nay của Chính phủ chứ chả chơi.
Khi những cục vàng ấy nằm trong tủ, dưới gầm giường của các cô - chú - ông - bà, chúng là một khối tài sản có suất sinh lợi = số 0 tròn trĩnh, trong một thời gian dài, rất dài.
Hãy thử nghĩ là 1.000 tỷ đồng của bà chủ xưởng bún đình đám gần đây đủ để xây dựng 2 doanh nghiệp tầm cỡ như PNJ hay 3 doanh nghiệp như Nhựa Bình Mình thì mới thấy tiềm lực trong dân mạnh mẽ đến đâu.
Chúng ta không nên quẩn quanh vấn đề giàu - nghèo mãi, nếu bạn không làm ra tiền thì đừng tiêu, đơn giản quá mà bởi "Có làm thì mới có ăn”. Và một xã hội luôn cần có người giàu. Nếu người giàu không ăn tiêu thì rau - cá - thịt của nông dân biết bán cho ai, ai sẽ là người trả lương cho công nhân sản xuất cơ chứ?
3. Bài viết nặng lý thuyết, thiếu dẫn chứng thực tế và số liệu cụ thể?
Hoàn toàn đúng, vì muốn phân tích cặn kẽ cùng với số liệu chính xác chắc tôi phải bỏ ra vài năm và viết thành một cuốn sách vài trăm trang, đến lúc ấy, mọi thứ tôi nói đều đã lỗi thời. Một điều quan trọng hơn, tôi không tin các con số thống kê chính thức mà ta có.
Điều hành kinh tế là một phương trình đa biến có tính tương tác vô cùng phức tạp. Giải pháp kích cầu chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, trong dài hạn tất cả phụ thuộc vào tiến bộ trong năng lực sản xuất của từng cá nhân, doanh nghiệp và quốc gia.
Đỗ Chí Hiếu
Tác giả Đỗ Chí Hiếu, sinh năm1983, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành QTKD-Tài chính Kế toán tại Đại học Macquarie - Sydney, MBA của ĐH Hawaii. Đã từng làm việc tại Great Eastern Life Assurance, VinaCapital và hiện nay làm cho Deloitte Vietnam.