Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn Đặng Thành Tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tân Tạo và Kinh Bắc, hai công ty con thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM và Hà Nội. Năm 2007, với 30 triệu cổ phiếu KBC (Kinh Bắc) và 4,2 triệu cổ phiếu ITA (Tân Tạo), trị giá gần 6.300 tỷ đồng, ông Đặng Thành Tâm đứng vị trí số một trong Top 100 người giàu trên thị trường chứng khoán theo công bố của VnExpress.net.
Cùng với "cơn bão" giảm giá chứng khoán, từ đầu năm đến nay, giá trị cổ phiếu của ông và những người giàu trong Top 100 ngày càng suy giảm. 5 tháng đầu năm, giá trị cổ phiếu của ông Đặng Thành Tâm giảm khoảng 700 tỷ đồng và còn hơn 5.600 tỷ. Tính đến đầu tháng 10, con số này tiếp tục giảm thêm gần một nửa.
Gặp lại VnExpress.net hôm 11/10, sau gần một năm soán ngôi vị người giàu nhất sàn chứng khoán, Chủ tịch Đặng Thành Tâm vẫn giữ vẻ bình thản vốn có. Áo quần không là lượt, chẳng có trợ lý đi kèm. Nhiều người có mặt Hội nghị doanh nhân tiêu biểu năm 2008 chẳng nghĩ ông là chủ một loạt khu công nghiệp lớn nhất VN. Khi nhắc tới vị trí số một trong Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán 2007 do VnExpress.net bình chọn, ông cười nói: "Tôi vẫn là người giàu trên sàn vì số cổ phiếu mà tôi đang sở hữu trong năm qua chẳng hề thay đổi".
Theo ông Tâm, thị trường chứng khoán sụt giảm chung chứ không tập trung vào mã cổ phiếu nào và trong xu hướng chung này ngay cả tỷ phú Mỹ Warren Buffett cũng chịu sự tác động. Dù vậy ông tin rằng với những giải pháp của Chính phủ cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, khó khăn sẽ vượt qua và thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc.
Ông Tâm quan niệm kinh doanh có lúc lỗ lúc lãi, lúc thuận lợi khi khó khăn, điều căn bản là mỗi người phải biết biến khó khăn thành cơ hội. Mấy năm trước kinh tế phát triển, công việc bận túi bụi, ông bù đầu với các dự án, thậm chí chẳng mấy khi được ăn cơm nhà. Những tháng đầu năm 2008, kinh tế gặp khó khăn, tốc độ phát triển chậm lại, ông có thời gian quan tâm đến mình hơn. Ngoài việc tham gia các khóa học để bổ sung thêm kiến thức, ông tranh thủ đọc sách để học tập gương các tỷ phú.
"Khi kinh tế thuận lợi, môi trường đầu tư tốt, tôi tranh thủ làm việc kiếm tiền, khi gặp khó khăn lại tranh thủ học. Thực ra, tôi chẳng mấy bận tâm chuyện mình giàu hay không giàu, điều căn bản là tôi có làm tốt công việc hay không", ông nói.
Từng đảm nhiệm vị trị CEO của Tập đoàn Tân Tạo, ông Tâm được biết tới như một điển hình về việc “học không ngừng” trong giới doanh nhân. Nhưng ít ai biết một trong những khả năng lớn nhất của ông là... viết dự án. Những dự án hàng nghìn trang giấy luôn có sức hấp dẫn lớn đối với ông, kể từ ngày đầu ông chấp những dòng đầu tiên cho dự án thành lập Khu công nghiệp Tân Tạo.
Ông sử dụng tiếng Anh lưu loát, có thể tiếp xúc thảo luận với các đối tác nước ngoài mà không cần đến phiên dịch. Là một luật gia “ẩn danh”, ông nắm rành rẽ cả pháp luật về kinh tế của Việt Nam lẫn quốc tế. Trong những lần đi công tác nước ngoài, ông Tâm vừa là một CEO vừa là một phiên dịch, vừa là một luật sư, do vậy ông có thể ra quyết định rất nhanh mà không cần phải mất nhiều thời gian tìm lời tư vấn từ bên ngoài.
Theo ông Tâm, dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh tức là phải chấp nhận sự cực khổ, không phải ngay lập tức có thể thành công. Ông Tâm nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, khi đưa ra những dự án đầu tư khu công nghiệp rồi mời bạn bè cùng góp vốn, không ai tham gia. Ngay ngân hàng ACB có đóng góp vốn nhưng vì bạn bè chơi với nhau chứ họ cũng không tin vào hiệu quả của dự án.
Phan Linh Anh