Với tài sản 64,5 tỷ USD, Mukesh Ambani đã vượt qua Larry Ellison của Oracle và Francoise Bettencourt Meyers của Pháp để trở thành người giàu thứ 9 thế giới. Ông sở hữu 42% đế chế Reliance Industries (Ấn Độ). Cổ phiếu công ty này đã tăng gấp đôi kể từ đáy tháng 3, chung xu hướng với thị trường chứng khoán toàn cầu.
Dù kinh tế Ấn Độ vẫn đang lao đao do phải phong tỏa để kiểm soát đại dịch, "các công ty của Ambani, đặc biệt là đại gia viễn thông Jio, vẫn kinh doanh tốt, giúp tài sản cá nhân của ông tăng vọt", Jayati Ghosh – Giám đốc Trung tâm Hoạch định và Nghiên cứu Kinh tế thuộc Đại học Jawaharlal Nehru nhận xét.
Dù giá dầu lao dốc khiến thương vụ bán cổ phần của Reliance trong mảng dầu mỏ - hóa chất gặp khó, chỉ trong 2 tháng qua, Jio đã huy động được 15 tỷ USD tiền đầu tư. Con số này chiếm hơn nửa giá trị các khoản đầu tư vào các công ty viễn thông trên toàn cầu năm nay. Facebook, General Atlantic, Silver Lake Partners, KKR & Co. và quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia đều đã đổ tiền vào Jio với kỳ vọng hưởng lợi từ thị trường thương mại trực tuyến tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới này.
Một báo cáo gần đây của Sanford C. Bernstein dự tính nhà mạng Jio sẽ nắm 48% thị phần Ấn Độ năm 2025. Tham vọng trong ngành thương mại điện tử của Ambani gần đây cũng được củng cố, khi Reliance tiến gần thương vụ mua cổ phần trong Future Group – công ty đã hợp tác với Amazon.
Mukesh Ambani tham gia công ty gia đình từ đầu thập niên 80. Người cha Dhirubhai Ambani – nhà sáng lập Reliance – đã gọi ông quay về Ấn Độ giám sát việc xây dựng một nhà máy polyester tại đây. Mukesh khi đó đã tốt nghiệp Trường kinh doanh Stanford được một năm. Nhà Ambani đã thâu tóm nhiều nhà cung cấp, các nhà máy hóa dầu và lọc dầu để gây dựng đế chế năng lượng, dệt may và sợi.
Ông Dhirubhai qua đời vì đột quỵ năm 2002, không để lại di chúc, khiến hai anh em Mukesh và Anil Ambani tranh chấp tài sản. Cuối cùng, người mẹ đã can thiệp, chia đôi đế chế cho hai con. Mukesh tiếp quản mảng lọc dầu, hóa dầu, dầu khí và dệt may. Còn Anil nhận viễn thông, quản lý tài sản, giải trí và điện.
Việc kinh doanh của Anil sau đó không thuận lợi, khiến các công ty rơi vào tình trạng phá sản, nợ nần. Ngược lại, Mukesh ngày càng thành công, lấn sân mảng viễn thông, thương mại điện tử và dần trở thành người giàu nhất châu Á.
Hà Thu (theo Bloomberg)