Ông Lương Chí Ành, ở bản Pọong, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi. Ông là người trẻ nhất huyện Quan Hóa cũ (nay là các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát) từng tham gia hoạt động trong đội du kích Tây Tiến.
Xuân này, cụ Ành đã bước sang tuổi 78, đôi chân đã mỏi, đầu gối đã chùn, nhưng vẫn còn khá minh mẫn với đôi mắt sáng và giọng nói hào sảng. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nép mình bên con suối phía đầu phố huyện, ông Ành chậm rãi kể về những năm tháng hoạt động giao liên cho bộ đội Tây Tiến.
![Nui-Lat-2-8912-1423296901.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/07/Nui-Lat-2-8912-1423296901.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VljgC74lNJ3YgKqy6XrZBA)
Theo cụ Ành, dưới chân núi Lát (xã Tam Chung, huyện Mường Lát) từng diễn ra trận đánh lớn nhất giữa bộ đội Tây Tiến và giặc Pháp những năm 50 thế kỷ trước. Ảnh: Lê Hoàng.
Bản Pọong nép mình dưới chân núi, ở độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển, xen kẽ là những dãy núi cao quanh năm mây mù bao phủ. Ngay dưới chân bản là thượng nguồn con sông Mã quanh co khúc khuỷu với vô số thác ghềnh. Mùa lũ cũng như mùa khô, từ lòng sông luôn vẳng lên những âm thanh gầm rú nghe rợn người.
Những năm đầu thế kỷ trước, vùng đất heo hút nơi biên ải này chỉ lưa thưa vài nóc nhà người Thái di cư từ mạn Hòa Bình sang. Hồi đó thổ ty, lang đạo bá chủ khắp vùng. Chúng cấu kết với giặc Tây đàn áp, bóc lột dân làng. Những con lợn béo, những thửa ruộng bậc thang màu mỡ đều nằm trong tay đám quan lại địa phương này. Mỗi năm, dân làng đều phải cúng nạp những vật phẩm tốt nhất. Những cô gái đẹp đều bị chúng bắt về làm lẽ…
Ông Ành sinh ra trong gia đình người Thái có 4 chị em ở bản Pọong. Dù là em út và con trai duy nhất trong nhà, nhưng từ nhỏ cậu bé Ành đã lặn lội đi rừng lấy măng, kiếm củi hay cùng cha mẹ làm nương... Hơn 10 tuổi, ông có thể leo núi nhanh như sóc, thuộc nằm lòng từng con suối, từng cánh rừng ở vùng biên Mường Lát giáp thượng Lào.
Những năm 1950-1951, xã Tam Chung cũ (nay là phần diện tích của 6 xã Mường Lý, Tén Tằn, Pù Nhi, Tam Chung, Nhi Sơn và thị trấn Mường Lát), một đại đội thuộc Trung đoàn 52 Tây Tiến được điều động về đóng quân tại đây với nhiệm vụ trấn giữ vùng biên phía Tây Bắc Việt Nam và phối hợp tác chiến với quân cách mạng Lào ở hai tỉnh Hủa Phăn, Bắc Xiêng Khoảng.
Theo cụ Ành, thời gian đó đại đội có khoảng 100 người, đóng chốt rải rác ở nhiều khu vực hiểm yếu. Quân Pháp cũng lập nhiều đồn bốt tại đây. Việc thông tin liên lạc về tình hình địch, kế hoạch phối hợp tác chiến giữa các điểm đóng quân là vô cùng cần thiết, vì thế đội du kích Tây Tiến được thành lập với hơn 30 thành viên.
Các thành viên đội du kích Tây Tiến chủ yếu là người Thái bản địa. Họ được bộ đội tuyển lựa cẩn trọng rồi rèn luyện, cấp cho vũ khí phối hợp với quân đội chính quy cùng tham gia đánh giặc. Năm 1951, ông Ành khi đó mới 13 tuổi đã tham gia đội du kích này. Nhiệm vụ của cậu thiếu niên trẻ nhất đội là làm công tác giao liên giữa các điểm đóng quân của bộ đội.
“Ngày ấy, bộ đội Tây Tiến không ở cùng với dân bản mà ở riêng tại các lán dựng trong rừng, cách xa nơi dân cư sinh sống tập trung. Việc bài bố như vậy để tránh sự theo dõi, phát hiện của giặc Pháp và đám tay sai. Mặc dù không ở cùng nhà với bà con, nhưng bộ đội giữ mối liên hệ chặt chẽ. Lũ trẻ trong bản đứa nào cũng thích nghe bộ đội hát, được bộ đội dạy chữ”, ông Ành nhớ lại.
![]() |
Dù đã gần 80 tuổi nhưng cụ Ành bảo vẫn nhớ như in những ngày tháng làm nhiệm vụ giao liên cho bộ đội Tây Tiến. Ảnh: Lê Hoàng. |
Ông Ành vẫn nhớ như in những đêm sáng trăng, bên ánh lửa bập bùng ven bìa rừng được bộ đội dạy viết chữ. “Họ lấy những tấm ván làm bảng. Tìm những miếng than củi làm phấn, viết rồi xóa. Chỉ sau vài tháng miệt mài, tôi đã đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông”, ông Ành kể.
Thấy ông Ành khỏe mạnh, hoạt bát, bộ đội giao cho ông làm nhiệm vụ giao liên, chuyển vận thư tín. Cứ đều đặn vài lần một tuần, ông Ành lại lên đường làm nhiệm vụ truyền tin mật cho bộ đội Tây Tiến. Ngày đó ông từng đi khắp các bản làng ở Mường Lát, sang cả vùng Xốp Hào, Hủa Phăn (Lào). Hầu hết con đường mòn quanh sườn núi hay ven bìa rừng đều in dấu chân người giao liên nhỏ tuổi.
Các tin thư của bộ đội Tây Tiến giao cho ông Ành chuyển đi là những mảnh giấy nhỏ, được cất giấu trong cạp áo, rồi khâu lại cẩn thận. Khi đến nơi, ông tháo chỉ lấy thư ra, rồi khâu lại cạp áo như cũ. Cứ như vậy, chiếc áo đã giúp ông Ành chuyển hàng trăm tin thư thành công, tránh được sự phát hiện của quân địch.
Quãng đường ông Ành di chuyển đưa thư nhiều nhất là từ bản Pọong đến bản Cân cùng xã, dài khoảng 15 km. Nhiều lần khác đi xa hơn, ông xuống tận Pù Nhi hay ngược sang mạn Sài Khao, xa khoảng vài ba chục cây số. Nhiều hôm băng rừng bỗng gặp cơn mưa xối xả, dù ướt hết người nhưng ông vẫn cố chặt lá cây rừng che chiếc áo có bỏ thư của bộ đội, để thư không bị ướt hoặc nhàu nát.
“Công việc đưa thư của tôi là hoàn toàn tự nguyện, không có phụ cấp hay công sá gì. Hàng chục chuyến đưa thư, làm công tác liên lạc, nhiều lần gặp giặc đi tuần, nhưng vì còn nhỏ, lại là người dân tộc nên tôi không bị chúng nghi ngờ, lần nào tôi cũng thành công, chưa bao giờ bị lộ hay thất lạc thư tín”, cụ ông tự hào kể và cho hay mỗi chuyến đi đưa thư, bộ đội thường dặn nếu có ai hỏi cứ bảo đi thăm người thân ở bản nọ, bản kia.
Năm 1953, ông Ành 15 tuổi và không làm nhiệm vụ đưa thư nữa mà được dạy bắn súng, ném lựu đạn. Khi bộ đội Tây Tiến và giặc Pháp rút khỏi địa bàn, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính lâm thời Quan Hóa, đội du kích vẫn hoạt động với nhiệm vụ trực chiến và canh chừng bọn thổ phỉ tay sai luôn rình rập chống phá phong trào cách mạng. Giai đoạn này, cụ Ành vừa tham gia du kích vừa kiêm giáo viên bình dân học vụ ở địa phương.
Năm 1956, ông Ành được cử đi học Trường phổ thông lao động miền núi ở huyện Ngọc Lặc. Trở về quê, ông được điều làm giáo viên dạy học và tuyên truyền đường lối cách mạng cho người Mông, người Thái trong vùng. Từ năm 1958 đến 1963, ông về làm cán bộ xã Tam Chung với nhiều chức danh từ Chính trị viên xã đội đến chủ tịch xã.
![Goc-ban-Sai-Khao-4282-1423296901.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/02/07/Goc-ban-Sai-Khao-4282-1423296901.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8TZdsCTRf-nxpd8m7vQCvQ)
Một góc bản Sài Khao, nơi đoàn quân Tây Tiến đóng quân trong thời gian làm nhiệm vụ ở Mường Lát. Ảnh: Lê Hoàng.
Có nhiều đóng góp cho cách mạng, đến năm 1966, ông Ành được điều lên làm việc tại Ban Tổ chức Huyện ủy Quan Hóa, sau đó được bầu làm Phó chủ tịch huyện. Năm 1979, ông Ành được điều về làm Phó bí thư Đảng ủy Lâm trường Mường Lát và công tác tại đây cho đến khi nghỉ hưu.
Trao đổi với VnExpress, ông Lương Minh Thông, Bí thư Huyện ủy Mường Lát cho biết, ở địa phương chỉ còn hai người cao niên từng tham gia đội du kích Tây Tiến hiện còn sống. Ngoài cụ Ành còn có cụ Lương Văn Pém, ở bản Xim, xã Quang Chiểu.
"Các cụ là những tấm gương sáng từng được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều huân, huy chương do có thành tích trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và hoạt động xã hội sau này", ông Thông nói.
Lê Hoàng