Học kỹ sư xây dựng nhưng chưa xin được việc làm nên giữa năm 2018, "theo chân" một người bạn, Tiến nhận công việc giao hàng. Mỗi tháng cậu có thu nhập khoảng 9 triệu đồng.
Chiều 11/2, ra Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết, Tiến tiếp tục công việc ngay, nhận chuyển máy in màu loại nhỏ từ khu vực quận Hoàng Mai tới đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) với tiền công 80.000 đồng. Người chuyển hàng yêu cầu Tiến ứng gần 2,9 triệu đồng.
![Tiến nhận ship cho đơn hàng gần 3 triệu đồng và bị lừa đảo.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/02/12/ship2-6257-1549965590.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=OdA0DmWMbE3isZQgHo71tw)
Tiến nhận ship cho đơn hàng máy in và bị lừa gần 3 triệu đồng.
Lúc đó, trời mưa, ở ngoài đường, người thuê giao hàng vội vàng đưa chiếc máy và đòi nhận trước tiền. Theo kinh nghiệm, Tiến đề nghị chụp chứng minh nhân dân nhưng người đàn ông này nói chỉ lưu trên điện thoại và bảo chụp lại. Biết hình trên chứng minh thư khác với thực tế song Tiến chủ quan bỏ qua và chỉ chụp vội gương mặt gã này.
Khi mang đến địa chỉ nhận hàng, Tiến mới biết bị lừa. Anh liên lạc lại với người đàn ông trên nhưng bất thành vì điện thoại đã tắt. Đi hỏi một số người biết về chiếc máy in, anh được cho hay đây là "máy hỏng, cũ, không còn giá trị sử dụng".
Ngày 27 Tết (1/2), Tiến cũng bị một người đàn ông hẹn gặp ở khu Văn Miếu (quận Đống Đa) lừa mất 500.000 đồng. Ông ta thuê Tiến chuyển hai đơn hàng tem dán xe máy tới đường Tam Trinh và Võ Thị Sáu. Ông ta nói tin tưởng nên chỉ yêu cầu Tiến ứng 500.000 đồng cho đơn hàng ở đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng). Nhưng khi Tiến mang tới nơi, người nhận trả lời không đặt số hàng này nên từ chối nhận.
"Em buồn lắm nhưng cứ tự nhủ, của đi thay người nên cũng không báo công an", Tiến nói.
![Chiếc máy in không còn giá trị kẻ lừa đảo thuê Tiến chở giao cho khách ma.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/02/12/may1-4728-1549965264.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KoCpF0njr1ksRR66WSXeeg)
Chiếc máy in không còn giá trị được kẻ lừa đảo thuê Tiến giao cho khách.
Nhiều shipper khác cho hay cũng thường xuyên gặp phải những kẻ lừa đảo. Anh Đạt ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ngoài làm ở cửa hàng sơn còn nhận ship hàng để trang trải cuộc sống từ gần hai năm nay. Trước Tết Nguyên đán 2019 khoảng 10 ngày, Đạt được một người thuê chuyển chiếc áo trị giá 700.000 đồng, yêu cầu ứng trước tiền. Khi tới địa chỉ trong đơn, anh liên lạc với cả khách và người thuê giao hàng đều không được. Biết bị lừa, Đạt giở gói hàng thì bên trong là chiếc áo rách, hôi hám.
Ngoài bị lừa đảo, shipper còn gặp phải những kẻ cướp táo tợn với hung khí nguy hiểm. Cuối tháng 12/2018, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) bắt giữ Nguyễn Phi Anh và Lê Quốc Hưng vì cướp tiền của shipper. Chúng lừa một người giao hàng đi vào ngõ tối rồi khống chế, trói vào cột điện, cướp tiền, điện thoại, thẻ ATM. Sau đó, hai tên cướp còn "mò" được mật khẩu lưu trên điện thoại của nạn nhân, chiếm đoạt tiếp gần 10 triệu trong thẻ ATM.
Rút kinh nghiệm từ những lần bị lừa, Tiến và Đạt cùng cho hay sẽ không "săn việc" trên các trang mạng xã hội. Hai anh tải ứng dụng của một số trang web chuyên về ship để được đảm bảo quyền lợi, chịu mất 10% tiền công.
Họ đúc kết kinh nghiệm rằng shipper không nên nhận hàng ở những nơi địa chỉ không cụ thể như chân toà nhà chung cư, đầu ngõ, quán cà phê... mà phải vào tận nhà, cửa hàng của người thuê mình. Khi tới địa điểm giao hàng, họ cần cảnh giác, quan sát xung quanh, không đến nơi vắng vẻ và tránh mang theo tài sản có giá trị.
* Tên nhân vật đã thay đổi.