Tại cuộc họp về quy hoạch kiến trúc thành phố hồi tháng 10/2016, ông Huỳnh Hùng, khi đó mới về Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng nhận chức Giám đốc được 5 tháng, có bài phát biểu khiến nhiều người ngạc nhiên. Ông đề xuất dừng ngay việc xây dựng Trung tâm lưu trữ - Dự án đã được thành phố phê duyệt, cấp kinh phí hàng chục tỷ đồng, một tuần nữa sẽ khởi công ở số 5 Lý Tự Trọng (quận Hải Châu).
Lý lẽ được ông Hùng đưa ra là xây dựng dự án đang xâm phạm tới khu vực di tích cấp quốc gia thành Điện Hải - nơi diễn ra những trận đánh kiên cường, dũng cảm của các nghĩa sĩ triều Nguyễn ngày đầu kháng Pháp (1858-1860). Trước đây, thành Điện Hải đã bị xâm phạm khi thành phố xây Bảo tàng ngay trên vùng lõi. Ba cơ quan nhà nước khác là Trung tâm hành chính thành phố, trung tâm thể thao người cao tuổi và câu lạc bộ Thái Phiên (khu đất dự định xây Trung tâm lưu trữ), nằm ngay ở vùng đệm, đổ bóng xuống thành.
"Nhìn di tích biểu tượng của tinh thần yêu nước không được tôn trọng, những người am hiểu về lịch sử, văn hoá rất chạnh lòng. Tôi đề nghị lãnh đạo thành phố phải xác định lại giá trị vô cùng to lớn của di tích thành Điện Hải. Chúng ta không nên tiếp tục xâm phạm", ông Hùng nêu ý kiến.
Ông nói, thực tình khi đó thấy điều không đúng nên đã không ngại nêu ý kiến, chứ không hy vọng nhiều. Điều bất ngờ, lãnh đạo thành phố đã quyết định dừng dự án ngay tại cuộc họp, biến khu đất này thành công viên và đồng ý chủ trương di dời 80 hộ dân sống "bám" ở chân thành phía tây và đông nam.
"Câu chuyện giải cứu thành Điện Hải trước đây đã có nhiều người đặt ra, nhưng đều thất bại. Anh Hùng đã nêu vấn đề tại thời điểm cần phải giữ thành để thành phố phát triển bền vững trước cơn lốc đô thị hoá", ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói.
Những ngày sau đó, ông Hùng đối thoại với những hộ dân phải di dời. Thay vì đi ngay vào chủ trương giải toả, đền bù, ông nói cho người dân về lịch sử thành: dưới những ngôi nhà dân đang ở, là hàng vạn máu xương của những nghĩa sĩ cả nước đã thấm xuống trong cuộc chiến giữ nước. Trong ký ức của ông Thiện, khi ấy nhiều người dân lặng thinh khi hiểu được câu chuyện lịch sử và mong muốn của lãnh đạo thành phố, lấy đất để trùng tu, tôn tạo, phục dựng giữ lại di sản nên tất cả đều ủng hộ.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ khi đó quyết định cho người dân được chuyển đến tái định cư ngay trên đường Lý Tự Trọng, giữa trung tâm thành phố, ai cũng vui mừng. Nhiều người di dời đến nơi ở mới đã gọi điện thoại cảm ơn.
"Thắng trận đầu", ông tiếp tục kiến nghị thành phố dành trụ sở Hội đồng nhân dân ở số 42 Bạch Đằng - công trình kiến trúc cổ vốn là Toà nhà thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc, để di dời Bảo tàng Đà Nẵng, chấm dứt việc xâm phạm vùng lõi của di tích. Lãnh đạo thành phố đã đồng ý.
Di sản thứ hai ông Hùng "giải cứu" là Hải Vân quan - Công trình được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), là cửa ngõ trên con đường Thiên lý Bắc Nam và là cụm bố phòng quân sự với hệ thống thành lũy. Công trình này hoang phế suốt 20 năm vì chồng lấn địa giới giữa Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Hùng kể, khi lật dở những tư liệu về Hải Vân quan và khảo sát thực tế khu vực di tích nhếch nhác với rác thải, những lô cốt vô hồn từ thời chiến tranh được xây dựng ngay trên đất di tích, những nền móng công trình xây dựng dân sinh tự phát, ông đã quyết tâm "hành động".
Không chờ đến những cuộc họp, ông gọi điện cho người bạn thời đi học ở Khoa Văn - Sử ĐH Tổng hợp Huế (nay là trường ĐH Khoa học Huế), là ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Thừa Thiên Huế, để nói về hướng giải quyết và lên đường ra Huế trao đổi trực tiếp.
Trải qua nhiều cuộc họp, lúc ở Đà Nẵng, khi ở Huế, thậm chí ra tận Hà Nội, hai địa phương mới thống nhất một bộ hồ sơ trình Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (trước đó là Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế), ký công nhận Hải Vân quan là di tích cấp quốc gia.
Một buổi chiều mây phủ cuối tháng 4/2017, sau cuộc họp ở quán nước trên đỉnh đèo Hải Vân, ông Hùng và ông Dũng cùng nhau lên Hải Vân quan cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích. Hai người bạn thời sinh viên bắt tay nhau trong tiếng cười. "Đến giờ tôi vẫn coi đó là cái bắt tay lịch sử của hai địa phương", ông Hùng nói.
Ông Hùng chiêm nghiệm, Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn "say sưa phát triển kinh tế và đô thị hoá rất nhanh". Đô thị hoá đem lại những thành tựu đáng tự hào cho Đà Nẵng, nhưng điều đáng buồn là nhiều di tích văn hóa, lịch sử chẳng những không được tu bổ mà còn bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong đó có Nghĩa trủng Phước Ninh - nơi quy tập các nghĩa sĩ tử trận trong những ngày đầu chống Pháp. Nơi đây dường như đã biến mất khi đường từ sân bay về phía biển được mở rộng, chỉ còn lại nhà bia; danh thắng Ngũ Hành Sơn bị ứng xử như một sản phẩm du lịch, làng biển Nam Ô chuyển nhượng cho nhà đầu tư làm khu nghĩ dưỡng...
Cá nhân ông Hùng tác động từ nhiều phía để đối lại tên gọi từ Khu du lịch thành Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn và cuối năm 2020 được Thủ tướng công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Thành phố cũng đồng ý mở rộng không gian tưởng niệm nghĩa trủng Phước Ninh thêm hơn 3.000 m2, từ khu đất vàng bên cạnh trên đường Nguyễn Văn Linh.
Tự nhận xét mình "là người trực tính", nghệ sĩ Huỳnh Hùng nói mình vẫn giữ tính cách "Quảng Nam hay cãi". Nhưng cãi vì cái chung, vì sự phát triển. Khi cần nói là nói chứ không ngần ngại. Từ đó, hình ảnh ông Giám đốc với dáng người dong dỏng cao thường xuyên xuất hiện trong các diễn đàn của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân hay các hội nghị, bộc trực nêu ra nhiều ý kiến về văn hoá.
"Tôi không e dè, thẳng thắn nêu ý kiến. Còn quyết hay không là do lãnh đạo. Nhưng mình biết mà mình không nói, không tham mưu là mình có khuyết điểm. Như câu chuyện ở thành Điện Hải, nếu tôi chọn cách tiếp tục im lặng là có lỗi với các nghĩa sĩ", ông nói.
Nói về quãng thời gian 5 năm đi "đòi đất" để "giải cứu" di sản, ông Hùng cho rằng may mắn với mình là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã biết lắng nghe, cầu thị. Nhưng quan trọng là những người trí thức, am hiểu lĩnh vực phải lên tiếng để lãnh đạo biết được giá trị của di sản và cùng chung tay gìn giữ.
Tháng 1/2021, ông Hùng nghỉ hưu. Những ngày cuối nhiệm sở, ông dành thời gian trong phòng làm việc ở Trung tâm hành chính thành phố, nhìn qua thành Điện Hải với niềm vui vì thành giờ đã có công viên, cây xanh, hồ nước và đoạn thành hào mới tôn tạo.
"Tôi vui vì đã làm được việc có ích để du khách đến tham quan, lớp trẻ đến tìm hiểu về lịch sử. Giữa di tích lịch sử, văn hoá và du lịch là mối quan hệ chặt chẽ. Di tích chính là tài nguyên cho du lịch", ông Hùng nói và mường tượng ra trong những năm tới khi các dự án được thực hiện, du khách sẽ nườm nượp kéo đến Bảo tàng Đà Nẵng trong ngôi nhà cổ trên đường Bạch Đằng, chen chân lên Hải Vân quan được phục dựng nguyên trạng...
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND, Phó bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của ông Huỳnh Văn Hùng trong những năm làm Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao. "Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục phát huy và bảo tồn các di sản", ông Chinh nói.
Ông Huỳnh Văn Hùng, 61 tuổi, quê gốc Điện Bàn (Quảng Nam). Trong quãng đường sự nghiệp, ông có 8 năm làm Trưởng phòng văn hoá huyện Điện Bàn (nay là thị xã). Sau này, ông về đài VTV Đà Nẵng, đảm nhận vị trí Phó giám đốc VTV rồi Giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng. Nhờ sự nhạy cảm, sắc bén về thời sự, am hiểu lịch sử, văn hoá nên những thước phim tài liệu của ông giành được nhiều giải thưởng cao ở liên hoan truyền hình, báo chí. Năm 2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Ông cũng là người góp phần tôn vinh lễ hội cầu ngư; nghề làm nước mắm Nam Ô; nghề đá mỹ nghệ Non Nước; nghệ thuật hô hát bài chòi, sau này được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Nguyễn Đông