Giống như nhiều người dân Thượng Hải khác, ông bà không trữ thực phẩm hàng tuần hay hàng tháng vì biết siêu thị luôn ăm ắp.
Tuy nhiên, đó là trước khi lệnh phong tỏa ban hành. Đôi vợ chồng 66 và 59 tuổi đã mất cảnh giác, không nghĩ đến tình huống có tiền chẳng thể mua trong mùa dịch. Trả lời báo chí hôm 4/4, ông Yang cho biết, nhiều ngày nay, gia đình ông không thể mua thịt, trứng hay sữa. "Tôi bị đột quỵ. Bác sĩ bảo tôi cần ăn đủ chất đạm mỗi ngày để cơ thể hoạt động ổn định", ông Yang nói.
Thay vì mỗi ngày, cứ ba ngày họ mới được uống một cốc sữa. "Nếu phong tỏa một tuần hay 10 ngày tôi vẫn có thể trụ được, nhưng giờ đã hơn 20 ngày", ông than. Con gái 28 tuổi của ông bị cách ly ở một khu nhà khác cùng với bà ngoại, chẳng thể tiếp tế bố mẹ.
Hai người già không sử dụng điện thoại thông minh do ông Yang cận thị nặng, vợ ông từng phẫu thuật bong võng mạc.
Trong lúc bế tắc, ông Yang thấy một tờ giấy dán ở cửa ra vào tòa nhà khi đi đổ rác, với nội dung: "Hiện tại, nguồn cung thực phẩm thiếu hụt nên rất khó mua. Một số nhóm sẽ tổ chức mua hàng cho cư dân. Nếu bạn không thể sử dụng WeChat, bạn có thể cho tôi biết bạn cần gì, nhóm sẽ liên hệ với bạn để hỗ trợ".
Wang Haoyu, 27 tuổi, người đã viết thông báo nói trên, cho biết, anh và bạn gái rất lo lắng cho những cao niên sống trong tòa nhà. Anh có thể mua thực phẩm qua nhiều kênh, dù đắt hơn nhiều so với thị trường nên quyết định giúp đỡ người già.
Cùng đại diện tòa nhà, họ lập kế hoạch ưu tiên hỗ trợ người lớn tuổi mua thực phẩm. Theo thống kê, gia đình ông Yang nằm trong số 8 trên tổng số 10 hộ gia đình cao tuổi cần hỗ trợ.
Nhờ hành động của Wang, vợ chồng ông Yang được nhận sữa, trứng và thịt mà họ khát khao nhiều ngày. "Chẳng phải câu chuyện đẹp kiểu người trẻ giúp đỡ người già, đây đúng hơn là một bi kịch", Wang nói.
Ngoài thực phẩm, dịch vụ y tế ở Thượng Hải đang thiếu hụt. Người dân gần như không thể đi khám. Theo thông tin từ một nhóm tình nguyện viên là sinh viên đại học, có hơn 1.680 yêu cầu dịch vụ y tế đã được gửi đến nhóm này.
Đa số người bệnh yêu cầu trợ giúp thuốc điều trị mãn tính, hóa trị thường xuyên, lọc máu và thuốc chữa tâm thần. Trong đó, hơn 1.000 yêu cầu chưa được xử lý. Xu Yixing, 18 tuổi, một tình nguyện viên cho biết, hơn một nửa số người cần giúp đỡ trên 60 tuổi.
Thượng Hải là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc già hóa dân số. Theo thống kê giám sát dân số già ở Thượng Hải năm 2019, người 60 tuổi trở lên ở thành phố này khoảng hơn 5,8 triệu, có nghĩa cứ ba người thì có một người cao tuổi. Số người cao tuổi sống một mình lên tới 317.400. Đây là nhóm dễ tổn thương nhất ở Thượng Hải trong thời gian phong tỏa vô thời hạn, phần lớn do bệnh tật.
Một vấn đề lớn khác mà người cao tuổi phải đối mặt khi phong tỏa là kết nối xã hội. Wang Houhou, 29 tuổi, sống với bạn trai trong một khu nhà cũ, cho biết, hàng xóm của cô là một ông lão hơn 80 tuổi. Ông không biết thế giới ngoài kia đang thế nào và liên tục hỏi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ chưa.
"Ông bị lãng tai, sống một mình trong căn hộ bên cạnh và không mấy khi ra ngoài. Tôi chỉ phát hiện ra do tòa nhà của chúng tôi cách âm kém, khiến tôi có thể nghe thấy tiếng TV của ông phát ra lúc ba giờ sáng và tiếng ho sù sụ cả này", Wang kể.
Thương ông lão một mình, cô viết giấy dán trên cửa nhà để thông báo có thể nhờ sự trợ giúp nếu cần. Sau hôm đó, Wang liên tục nhận được cuộc gọi của hàng xóm nhờ tìm bác sĩ, mua đồ ăn.
Gần đây, ông lão gõ cửa nhà Wang, tặng cô một tập truyện tranh và 500 tệ. "Cảm ơn Wang và Li vì đã quan tâm đến ông", ông lão nhắn trong một tờ giấy.
Nhật Minh (Theo SCMP)