Dữ liệu của Cục Thống kê Hàn Quốc hôm 23/9 cho thấy người trẻ sẽ chỉ chiếm 6,6% dân số vào năm trên, khi quốc gia này tiếp tục đối mặt với tỷ lệ sinh thấp. Cuộc khủng hoảng dân số sẽ dẫn đến gánh nặng lớn hơn đối với những người trẻ đang trong độ tuổi lao động khi phải hỗ trợ người cao tuổi.
Không tính đến người nhập cư, các quốc gia cần tỷ lệ sinh là 2,1 để duy trì số dân ổn định - trong khi tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống còn 0,72 vào năm 2023, dự đoán sẽ giảm sâu hơn xuống 0,68 vào năm 2024.
Đến năm 2072, dân số Hàn Quốc còn 36 triệu người, giảm 30,8% so với ước tính 52 triệu người của năm nay. Trong đó, tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng từ 19,2% vào năm 2024 lên 47,7%.
"Dữ liệu cho thấy gần như cứ hai người Hàn Quốc thì có một người sẽ là người cao tuổi sau 50 năm nữa", Cục Thống kê cho biết. "Một phát hiện đáng chú ý khác là tỷ lệ người cao tuổi ở Hàn Quốc sau 50 năm nữa sẽ cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn cầu".
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc ngày càng thấp là do thị trường lao động cạnh tranh và khoảng cách lương theo giới lớn nhất trong 38 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Tuy nhiên, chênh lệch lương chỉ là yếu tố nhỏ. Phụ nữ Hàn Quốc quyết định không sinh con vì thời gian làm việc dài nổi tiếng, khó khăn trong tìm kiếm nhà ở giá rẻ, đặc biệt là tại Seoul và tỷ lệ kết hôn giảm. Rất nhiều ngành nghề tại Hàn Quốc yêu cầu nhân viên tăng ca, tạo rào cản khi phải cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái.
Sinh con ở Hàn Quốc cũng có một số ràng buộc tương đối đặc biệt, Jennifer Sciubba, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Population Reference Bureau tại Washington, cho biết. Ví dụ, giáo dục tại nước này cực kỳ đắt đỏ, đôi khi khiến các gia đình ngần ngại sinh thêm con.
Dù Hàn Quốc cho phép cả bố và mẹ nghỉ thai sản, ít nam giới và phụ nữ tận dụng chế độ này vì kỳ vọng của nhà tuyển dụng trong văn hóa làm việc áp lực, theo tiến sĩ Megan Huchko, bác sĩ sản phụ khoa và giám đốc Trung tâm Sức khỏe Sinh sản Toàn cầu tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina. Rất ít trẻ em được sinh ngoài hôn nhân, bà nói thêm, vì vậy tỷ lệ kết hôn giảm kéo theo giảm tỷ lệ sinh con.
Một số nhà bình luận cho rằng xu hướng sinh đẻ của Hàn Quốc liên quan đến một phong trào nữ quyền cấp tiến, bắt đầu từ năm 2019. Những người ủng hộ phong trào 4B (4 Không) từ chối bốn chuẩn mực truyền thống: hẹn hò với nam giới, kết hôn, quan hệ tình dục với nam giới và có con. Phong trào này đã thu hút khoảng 3.400 thành viên trên Naver, diễn đàn trực tuyến phổ biến nhất tại Hàn Quốc.
Số ca sinh cũng có xu hướng giảm ở các quốc gia phát triển khác, như Mỹ. Tỷ lệ sinh nước này là 1,62 trẻ mỗi phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn 2% so với năm 2022. Đây là mức thấp lịch sử, theo dữ liệu Trung tâm Thống kê Sức khỏe Quốc gia - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh công bố vào tháng 4.
"Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là nước có tỷ lệ sinh thấp nhất toàn cầu", Hugo Jales, phó giáo sư kinh tế tại Đại học Syracuse, New York, cho biết.
Ông đã xuất bản một báo cáo vào tháng 12/2021 trên Tạp chí Kinh tế Châu Á về chương trình thưởng sinh con của Hàn Quốc. Kiểm tra tác động của chính sách này, Jales và đồng tác giả nhận thấy hơn 74% số tiền chương trình chi trả là dành cho những gia đình sẽ sinh con ngay cả khi không có khuyến khích tài chính.
Để thúc đẩy người dân sinh đẻ, chính phủ Hàn Quốc dự kiến mở rộng biện pháp khuyến sinh, tăng thời gian nghỉ phép cho cha mẹ và chương trình phúc lợi nhà ở cho các gia đình có trẻ sơ sinh. Các quan chức kỳ vọng tăng khoản trợ cấp hàng tháng lên 1 triệu won (770 USD) cho các hộ gia đình có trẻ dưới 1 tuổi, 50.000 won cho những hộ có trẻ từ 1 đến 2 tuổi.
Mỹ Ý (Theo The Korea Times)