Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết với những người bị suy nhược nghiêm trọng, các tác dụng phụ của vaccine tương đối nhẹ cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan này cũng cho rằng người đã quá già và sức khỏe yếu, lợi ích của vaccine có thể không phù hợp hoặc không liên quan.
Khuyến cáo trên không có nghĩa là những người trẻ hơn, khỏe mạnh hơn nên tránh tiêm chủng. Emer Cooke, người đứng đầu Cơ quan dược phẩm châu Âu, cho biết việc theo dõi tính an toàn của vaccine Covid-19, đặc biệt là những vaccine dựa trên công nghệ mới như mRNA, là một trong những thách thức lớn nhất khi vaccine được triển khai rộng rãi.
Các quan chức Na Uy ghi nhận 29 người đã chết một thời gian ngắn sau khi tiêm liều vaccine Pfizer-Biotech đầu tiên. Trong số đó, 13 trường hợp tử vong đã được khám nghiệm, với kết quả cho thấy các tác dụng phụ thông thường có thể là một phần gây ra các phản ứng nghiêm trọng ở người già yếu, Cơ quan Dược phẩm Na Uy cho biết.
Na Uy đã tiêm ít nhất một liều vaccine cho khoảng 33.000 người, chủ yếu ở nhóm được coi là có nguy cơ cao nhất nếu nhiễm virus, bao gồm cả người già.
Quan chức y tế cho rằng các ca tử vong có thể liên quan tới tác dụng phụ của vaccine sau tiêm. "Các tác dụng phụ thường gặp gồm sốt, buồn nôn, có thể khiến một số bệnh nhân yếu tử vong", Sigurd Hortemo, bác sĩ trưởng tại Cơ quan Dược phẩm Na Uy, thông báo hôm 15/1.
Các phản ứng dị ứng sau tiêm vaccine đến nay là không phổ biến. Tại Mỹ, các nhà chức trách đã báo cáo 21 trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng trong thời gian từ ngày 14 đến 23/12/2020 sau khi tiêm khoảng 1,9 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ này tương đương 11,1 trường hợp trên một triệu liều.
Tại Pháp, một bệnh nhân ốm yếu đã chết sau khi được tiêm chủng. Nhà chức trách cho biết dựa trên tiền sử bệnh trước đó của bệnh nhân, không có dấu hiệu cho thấy cái chết có liên quan đến vaccine. Cơ quan An toàn Dược phẩm Pháp hôm 14/1 đã báo cáo bốn trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng và hai sự cố nhịp tim không đều sau tiêm chủng.
Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt đang tìm kiếm thông tin khẩn cấp về vấn đề này từ nhà sản xuất, cơ quan y tế và chính phủ Na Uy. Australia thỏa thuận mua 10 triệu liều vaccine Pfizer. Trước đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết không triển khai tiêm chủng đại trà cho đến cuối tháng 3. Ông nhấn mạnh các nỗ lực tiêm chủng đại trà ở Anh, Mỹ và các nơi khác sẽ cung cấp cho nước này nhiều dữ liệu hơn về độ an toàn của vaccine hơn là từ các nghiên cứu lâm sàng.
Vaccine Pfizer được điều chế dựa trên phân tử di truyền mRNA, có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.
Trong thử nghiệm lâm sàng, hãng sản xuất báo cáo vaccine không gặp vấn đề về an toàn.
Bảo Châu (Theo Fortune)