Những ngày qua nhiệt độ trung bình ở Hà Nội 35-37 độ C. Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận 400 bệnh nhân một ngày. Ngoài các bệnh nhân xuất huyết não và viêm phổi nặng, khoa cũng ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân bị viêm mũi họng, viêm xoang, một số bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, Parkinson không uống thuốc đều đặn.
Khoa Cấp cứu và Đột quỵ tiếp nhận trung bình 30 bệnh nhân mỗi ngày. Những chiếc giường bệnh kê san sát, hoạt động hết công suất phục vụ bệnh nhân cấp cứu.
Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, hai nhóm bệnh nhân điển hình trong thời tiết nắng nóng gồm xuất huyết não và viêm phổi nặng gây suy hô hấp. Bệnh nhân xuất huyết não thường có bệnh nền tăng huyết áp hoặc đái tháo đường, nhập viện trong tình trạng nặng. Có trường hợp mặc dù thường xuyên uống thuốc kiểm soát bệnh nền song vẫn bị xuất huyết não chỉ sau khi đi nắng.
Nắng nóng khiến bệnh tăng huyết áp nặng hơn, gây áp lực lên thành mạch, làm cho mạch máu não vỡ. Còn đái tháo đường, nắng nóng làm cho bệnh nhân không thể ăn uống được, lượng thức ăn giảm dần đi trong khi các thuốc tiểu đường vẫn duy trì như trước nên biến chứng hạ đường huyết, rơi vào hôn mê.
Thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng tỷ lệ bệnh nhân bị viêm phổi. Các bệnh nhân viêm phổi nhập viện gồm nhóm người cao tuổi có bệnh nền, không còn khả năng tự phục vụ, cần tới hộ lý chăm sóc và nhóm bệnh nhân có bệnh phổi nền, ví dụ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản mạn tính. Những người này hay bị viêm phổi do bật điều hòa quá lạnh. 12 bệnh nhân phải thở máy vì nằm điều hòa quá lâu trong thời tiết nắng nóng.
Bác sĩ Thắng khuyến cáo, người cao tuổi cần tăng cường quản lý bệnh nền, chăm sóc cơ thể trong thời tiết nắng nóng bằng cách uống thuốc đều đặn theo đơn, duy trì đến khám định kỳ, thường xuyên liên hệ với bác sĩ. Người già cần ăn uống đầy đủ chất, đảm bảo chế độ hợp lý, nhiều rau củ quả, đủ vitamin và vi lượng... Uống đủ nước, và hạn chế ra ngoài tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
Nếu phải ra ngoài, người cao tuổi cần mặc đồ bảo hộ đảm bảo tránh tia nắng trực tiếp ảnh hưởng lên da và kích thích hệ cơ quan nội tạng của cơ thể. Có thể mặc áo sáng màu, đội mũ nón, mặc áo dài tay, đảm bảo luôn đi vào chỗ râm mát, giảm thiểu sự tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Khi ở trong nhà, người cao tuổi cần sử dụng điều hòa hợp lý. Nhiệt độ điều hòa khuyến cáo khoảng 28 độ C đối với nhóm người không có khả năng tự phục vụ, hoạt động, và khoảng 27 độ C đối với người còn khả năng đi lại. Gia đình cần chuẩn bị chăn mỏng để đắp cho người cao tuổi khi bị lạnh do điều hòa.
Người cao tuổi không nên ra ngoài vào 10-15h nếu như đi xe máy. Người từ 75 tuổi trở lên, hạn chế đi xe máy trong giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, cũng không nên ngồi sau xe máy vào giờ nắng nóng.
Để duy trì sức khỏe, người cao tuổi nên tập thể dục và tập vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, vào những ngày nền nhiệt dự báo khoảng 39-40 độ, người cao tuổi không nên ra ngoài tập thể dục. Bác sĩ sẽ hướng dẫn người già tập tại nhà, tại chỗ với các bài tập chỉ cần sử dụng diện tích 2-3 m2.
Bác sĩ Đỗ Mai Huyền, khoa Khám bệnh, khuyến cáo bệnh nhân không nên bỏ thuốc điều trị Parkinson hoặc sa sút trí tuệ khi thời tiết nắng nóng, và chủ quan không đi khám định kỳ. Lý do, khi bỏ thuốc, bệnh nhân sẽ gặp các biến chứng nặng như run cứng tay chân không thể di chuyển được, cứng cơ toàn thân khiến không thể khạc đờm, lồng ngực co giãn kém nên viêm phổi nhiều. Ngoài ra, bỏ thuốc sẽ gây loạn thần ở người già, có những hành động và lời nói không phù hợp dẫn đến náo động gia đình. Gia đình cần chú ý chăm sóc bệnh nhân cao tuổi nhiều hơn khi thời tiết nắng nóng, chủ động nhắc uống thuốc và đưa đi khám sớm khi có biểu hiện bất thường.
Chi Lê