Với lý do lo ngại về an toàn hoặc ảnh hưởng đến bầu không khí, nhiều cơ sở thể thao và quán cà phê tại Hàn Quốc lập khu vực từ chối phục vụ người cao tuổi. Các địa điểm này tương tự "khu vực cấm trẻ em" ở nhiều nơi.
Hai năm qua, một phòng gym ở Seoul thông báo không đón tiếp khách hàng trên 70 tuổi bởi họ thường xuyên bị chấn thương khi tập luyện. Chủ phòng gym cũng nhận nhiều đơn khiếu nại từ khách hàng trẻ tuổi nói không thoải mái khi tập luyện cùng không gian với người cao tuổi.
Từ đó phòng tập phải đưa ra thông báo "đừng chào hỏi, tặng quà, nhờ vả hay khen ngợi những người trẻ tuổi".
Jeong, điều hành quán cà phê nhượng quyền ở quận Gangnam, Seoul, nói gần đây cũng gặp khó khăn với những khách hàng lớn tuổi. Một số người già hành xử thô lỗ với nhân viên khi không vừa ý.
"Tôi từng nghĩ một số quán cà phê, nhà hàng khá quá đáng khi từ chối phục vụ khách lớn tuổi, nhưng giờ đã hiểu lý do", cô nói.
Tuy nhiên cách hành xử của các cửa hàng kinh doanh gây nhiều phản ứng trái chiều ở xứ kim chi.
Ông Roh, 77 tuổi, bức xúc khi người già bị từ chối phục vụ. "Giới trẻ cũng sẽ thành người cao tuổi trong tương lai, liệu họ có lo ngại sẽ bị kỳ thị giống chúng tôi?", ông nói.
Park, 22 tuổi, sinh viên ở Seoul, đồng tình với ông Roh. Nam sinh cho rằng mọi người đều có quyền mua và uống cà phê. Người lớn tuổi cũng giống như phụ huynh của người trẻ, liệu họ có muốn bố mẹ bị đối xử như vậy?
Trong khi Kim, nhân viên văn phòng ở Incheon, lại cho rằng nên cảm thông cho hành động của các cửa hàng. "Tôi thấy người già thường nói chuyện lớn tiếng ở phòng tập thể dục, quán cà phê, nhà hàng và khiến giới trẻ không muốn ở gần", Kim nói.
Hôm 28/10, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc (NHRCK) tuyên bố việc từ chối phục vụ người lớn tuổi tại các cơ sở thể thao vì lý do tuổi tác là hành vi phân biệt đối xử.
Trước đó một người đàn ông 68 tuổi nói cố gắng mua thẻ hội viên một năm tại phòng gym ở Gangnam, Seoul nhưng bị từ chối vì trên 65 tuổi.
NHRCK khuyến nghị chủ sở hữu phòng tập gym nên chuẩn bị các biện pháp ngăn ngừa tình trạng trên tái diễn để người cao tuổi không bị kỳ thị. Đơn vị này cũng bày tỏ lo ngại sự phổ biến của các khu vực giới hạn độ tuổi có thể lan truyền nhận thức tiêu cực về người già.
Oh Beom-jo, giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Boramae ở Seoul cho rằng sự phân biệt đối xử với người cao tuổi như "khu vực hạn chế độ tuổi" có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ, làm tăng gánh nặng chi phí xã hội.
Chol Chul, giáo sư kinh tế tiêu dùng tại Đại học phụ nữ Sookmyung, nói các hạn chế hoạt động tiêu dùng của một số nhóm người có thể ảnh hưởng đến môi trường tiêu dùng của toàn xã hội.
"Toàn cộng đồng cần cùng nhau nhận thức điều này một cách đúng đắn", Choi nói.
Đến tháng 7/2024, số dân trên 65 tuổi của Hàn Quốc vượt quá 10 triệu người, chiếm khoảng 1/5 tổng số dân.
Minh Phương (Theo Koreatimes, Koreaherald)