Hiện ở Việt Nam người già chăm tập thể dục hơn người trẻ. Ảnhminh họa: P.N. |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay nhiều người vẫn cho rằng chỉ những ai thừa cân, béo phì mới mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, người gày có ít nguy cơ bị bệnh này hơn chứ không phải là không thể mắc.
"Không những thế, do tốc độ đô thị hóa chóng mặt nhiều người đột nhiên trở nên giàu, khiến cho lối sống, sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng có sự thay đổi đột ngột. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người có nguy cơ bị tiểu đường", tiến sĩ Tiến nói.
Lý giải điều này, theo tiến sĩ, trước đây khẩu phần ăn của nhiều người còn thiếu năng lượng và chủ yếu là chất xơ nên tuyến tụy đã quen với việc điều tiết lượng insulin phù hợp cho việc tiêu hóa thành phần dinh dưỡng này. Đến khi chế độ ăn thay đổi đột ngột, cơ thể đang từ thiếu năng lượng chuyển sang thừa năng lượng, thừa protein, lipid, các chất tồn dư bảo quản nhưng lại thiếu chất xơ, thiếu vitamin trầm trọng. Những yếu tố này cộng thêm với việc tuyến tụy không điều chỉnh lượng insulin kịp dẫn đến nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao gấp nhiều lần người binh thường.
Bệnh tiểu đường có 2 tuýp 1 và 2. Trong khi tuýp 1 là thể bệnh của trẻ, có tính chất di truyền, bẩm sinh nhiều hơn thì tuýp 2 thường gặp ở người lớn, liên quan đến ăn uống, béo phì, cao huyết áp, lười vận động...
Kết quả điều tra dịch tễ bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong năm 2010 của 23 đơn vị, tỉnh (thành) trên cả nước cho thấy, số bệnh nhân mắc bệnh này tăng mạnh. Trong số gần 130.000 người được điều tra (từ 30 đến 69 tuổi) thì có đến hơn 9% mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Đặc biệt, ở khu vực nội thành tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều trong khi hơn 10 năm về trước bệnh này rất hiếm gặp ở nước ta.
Tiến sĩ Lê Phong, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết, bệnh không chỉ tăng mạnh ở người trưởng thành mà còn có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi vào điều trị.
Bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2 không gây tử vong ngay nhưng lại dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: tăng huyết áp, tim mạch, suy thận... Cũng vì thế, chi phí điều trị bệnh rất tốn kém vì bao gồm chi phí cho nhiều bệnh khác.
Không những thế, một người bình thường khi được chẩn đoán bị tiểu đường thường suy sụp về tinh thần. Họ thường xuyên phải đi khám bệnh, tự chăm sóc, theo dõi lượng đường trong máu, tiêm insulin... , tiến sĩ Phong cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện chưa có thuốc chữa khỏi bệnh nhưng 80% trường hợp mắc đái tháo đường tuýp 2 có thể phòng tránh được bằng chế độ ăn uống hợp lý, duy trì lối sống lành mạnh (không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia...), thường xuyên luyện tập thể thao.
Biểu hiện của bệnh thường là người mệt mỏi, đi tiểu nhiều, sút cân, vết thương lâu lành, luôn đói, có vấn đề về sinh hoạt tình dục, nhìn mờ, khát, uống nhiều nước, nhiễm khuẩn âm đạo... Những người có nguy cơ mắc bệnh cao như: trong gia đình có người ruột thịt đã mắc bệnh, tuổi từ 45 trở lên, thừa cân béo phì, phụ nữ sinh con trên 4 kg, người ít vận động, người mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu...
Phương Trang