Khi hàng loạt hoạt động văn hóa, ngoại giao, quốc phòng kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Australia được tổ chức tại Việt Nam năm nay, logo cách điệu nhà hát con sò và ngôi sao trên quốc kỳ của Nguyễn Việt Hưng xuất hiện khắp nơi, từ những chiếc mũ, áo đến tấm panô khổ lớn, hay trong chữ ký mỗi bức thư điện tử của các nhân viên đại sứ quán Australia.
Tuy nhiên, "cùi bắp" là từ Hưng tự mô tả về thiết kế logo của mình, dù nó vượt qua hơn 150 tác phẩm, trong đó có của nhiều họa sĩ chuyên nghiệp, để đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế logo nhân kỷ niệm quan hệ ngoại giao. Cuộc thi do đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội tổ chức, với sự hợp tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam từ tháng 11/2017.
Kỹ sư máy tính 24 tuổi cho biết anh hoàn tất bức tranh 2D chỉ trong ba giờ bằng phần mềm Photoshop, với những đường cong xanh, đỏ tối giản. Anh vẽ nó để bổ sung thêm bài dự thi, tăng cơ hội giành giải, sau khi biết mỗi thí sinh được nộp nhiều hơn một sản phẩm. Tác phẩm chính được Hưng đổ nhiều công sức nhất, vẽ trong một tuần hình cánh bướm tượng trưng cho số 45, cuối cùng không được giải nào.
Ý tưởng logo đoạt giải bắt nguồn từ kỷ niệm đầu tiên của Hưng về Australia khi anh mới 7 tuổi ở quê nhà Thái Bình: Olympic mùa hè năm 2000. Khoảng 5 giờ chiều hôm đó, Hưng bật chiếc tivi 14 inch nhưng không thấy chương trình hoạt hình như mọi khi, mà là một chương trình truyền hình trực tiếp từ Sydney, Australia, đất nước anh còn không biết vị trí trên bản đồ thế giới.
Cả gia đình hôm đó vừa ăn cơm, vừa xem hàng đoàn thể thao vẫy tay chào trong lễ khai mạc thế vận hội. Họ đợi, đợi mãi, cuối cùng mới thấy đội tuyển Việt Nam xuất hiện, bởi chữ V nằm gần áp chót bảng chữ cái trong danh sách nước tham dự. Hưng nhớ mãi khoảnh khắc pháo hoa rực sáng trên bầu trời và nhà hát hình con sò Opera Sydney lung linh phía dưới.
Anh quyết định chọn Nhà hát Con Sò làm biểu tượng của Australia. Anh tra Internet để xem lại tất cả các hình ảnh nhà hát từ mọi góc, xem tất cả logo ngoại giao giữa Australia và các nước. Nhưng Hưng gặp khó khăn hơn khi tìm biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Anh thử vẽ Vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, Nhà hát Lớn nhưng cảm thấy chúng không mang tính biểu tượng cao và không lồng ghép thành công với hình ảnh Nhà hát Con Sò.
Dội ngược trở về kỳ Olympic 2000, Hưng nhớ đến hình ảnh võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân khoác lá cờ đỏ sao vàng chạy vòng quanh nhà thi đấu, sau khi giành huy chương bạc Olympic đầu tiên cho thể thao nước nhà. "Một mốc son đáng nhớ trong lịch sử thể thao Việt Nam được tạo lập ngay trên đất Australia", Hưng nói. Vì vậy, anh quyết định lồng ngôi sao 5 cánh vào nhà hát.
Chính sự đơn giản đã gây ấn tượng, tạo ra nét khác biệt trong tác phẩm của Hưng với những bài dự thi khác.
PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, giám khảo chấm giải, đánh giá ý tưởng của Hưng "đặc biệt" và "rất sáng tạo". Ông Nghị chỉ ra những nét kết nối giữa cạnh ngôi sao và nóc con sò tạo thành nhà hát, ngược lại, nhà hát tạo thành cánh ngôi sao.
"Thiếu một trong hai thứ, thứ kia không trọn vẹn. Điều này thể hiện sự liên kết không thể tách rời nhau, mối quan hệ hợp tác văn hóa hữu nghị giữa hai nước cùng nhau phát triển, không thể thiếu một trong hai nước", ông Nghị cho hay. Ông nhấn mạnh một logo càng đơn giản càng tốt, phải sử dụng nhiều màu là chưa thành công.
Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cũng cho biết đây là tác phẩm ông tâm đắc nhất trong số những bài dự thi, thể hiện sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn giữa hình ảnh biểu tượng hai nước.
Hưng chưa từng học bất cứ trường lớp nào về mỹ thuật hay tham gia bất cứ cuộc thi lớn về đồ họa, mỹ thuật. Tuy nhiên, từng là trưởng ban truyền thông Hội Sinh viên Việt Nam ở Hungary, anh đã thiết kế phông bạt, logo đơn giản cho các hoạt động sinh viên khi du học tại Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest.
Nhìn những chiếc mũ, áo có in logo về Việt Nam - Australia do mình vẽ, Hưng cho biết anh thấy vui vì được đóng góp chút gì đó cho quan hệ Việt Nam - Australia. Anh dự định học một khóa về thiết kế đồ họa để có thể nâng cao khả năng thiết kế.
Việt Nam và Australia hồi tháng ba nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam hôm 21/5 cho biết ông rất tự tin khẳng định rằng mối quan hệ Việt Nam và Australia "chưa bao giờ mạnh mẽ hơn lúc này". Toàn quyền Australia Peter Cosgrove và phu nhân thăm cấp nhà nước Việt Nam từ 23/5 đến 26/5. Ngay sau đó, Ngoại trưởng Julie Bishop cũng sẽ thăm Việt Nam để thảo luận về các lĩnh vực hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Bà Bishop sẽ đến Đồng Tháp để cùng phía Việt Nam khai trương cầu Cao Lãnh, cây cầu biểu tượng cho hợp tác hai nước, sau cầu Mỹ Thuận xây năm 2001. |
Trọng Giáp