"Một quyết định sống còn, nếu không mổ nhanh thì hậu quả không thể cứu vãn", TS.BS Nguyễn Duy Tuyển, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhớ lại ngày trực Tết ám ảnh nhất, xảy ra 15 năm trước. Thời điểm đó, quy mô trung tâm thần kinh giống một phòng khám nhỏ. Dịp Tết, số ca tai nạn giao thông nhập viện tăng vọt, trong khi nơi này thiếu bác sĩ, giường, phòng mổ.
Như người đàn ông trên được đưa vào tình trạng hôn mê, cơ thể chằng chịt vết thương. Kết quả chụp CT chẩn đoán máu tụ do chấn thương sọ não, buộc phải xử lý ngay, nhưng không còn phòng mổ trống.
"Từng giây trôi qua như giọt nước tràn ly", bác sĩ nói và cho rằng càng kéo dài, người bệnh càng hôn mê lâu, cửa tử kề cận hơn. Trong khi việc can thiệp ngoài phòng mổ sẽ gặp nguy cơ nhiễm khuẩn cao, "chỉ một chút sơ sẩy sẽ phải đánh đổi bằng tính mạng".
Nhìn bệnh nhân trẻ, hơi thở thoi thóp, bên cạnh là các nhân viên y tế đợi y lệnh, bác sĩ Tuyển nhận ra vai trò "chỉ huy" của mình. Anh quyết định bỏ qua mọi thủ tục và yêu cầu về nhiễm khuẩn, khẩn trương lấy dụng cụ khoan, sát trùng tại chỗ, xử lý vùng não tổn thương để giải phóng phần máu tụ đang chèn ép não trước.
May mắn, quy trình không xảy ra sai sót, bệnh nhân thoát nguy kịch, sau đó chuyển vào phòng mổ xử trí tiếp. Lúc này, anh mới thở phào buông dao mổ, nói: "Với bác sĩ đây chỉ là ca mổ, còn với người bệnh là cả cuộc đời. Nếu không xử trí nhanh tại chỗ sẽ khiến họ mất mạng trong tích tắc".
Đây là một trong hàng nghìn ca mổ bác sĩ Tuyển thực hiện trong 21 năm làm việc tại Bệnh viện Việt Đức. Nơi này là đơn vị chuyên khoa hạng đặc biệt của Bộ Y tế, trung tâm ngoại khoa hàng đầu phía Bắc. Từ 2022 đến nay, bệnh viện thực hiện hơn 79.000 ca mổ - không nhiều cơ sở y tế trên thế giới có thể triển khai con số tương tự.
Trong đó, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh được coi là "đầu sóng, ngọn gió" với khoảng 200 nhân viên. Ngoài những ca phẫu thuật xử lý chấn thương ngoài da, bác sĩ phải trải qua nhiều ca mổ não khốc liệt, kéo dài 16-18 tiếng. Khó khăn nhất trong công việc của người mổ não là đưa ra những quyết định sinh tử trong thời gian tính bằng phút. Họ phải đảm bảo quyết định của mình dựa trên chẩn đoán chính xác và xem xét các rủi ro liên quan đến phẫu thuật cũng như các rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe bệnh nhân.
Mặt khác, các bác sĩ còn đối mặt với nỗi đau đớn, hoảng loạn của gia đình khi đưa người thân vào nơi cấp cứu nặng nhất. "Con/bố/mẹ/vợ/chồng tôi có sống không? Họ có trở lại bình thường như trước đây không? Họ sẽ đi lại, lái xe, ăn uống được chứ?". Nói với người nhà bệnh nhân rằng người thân của họ đã chết, hoặc phải mang di chứng suốt đời, cũng là một khó khăn và mệt mỏi đè nặng nhân viên y tế.
"Các bác sĩ thường xuyên đối mặt với tình huống sinh tử, họ phải có khả năng giữ bình tĩnh và tập trung trước áp lực. Họ cũng có thể phải thông báo những tin tức khó khăn cho bệnh nhân và gia đình họ, những điều này có thể khiến chúng tôi kiệt sức", bác sĩ Tuyển chia sẻ.
Ý thức được tầm quan trọng của nghề bác sĩ phẫu thuật thần kinh, từ khi thực tập nội trú tại Bệnh viện Việt Đức, anh Tuyển luôn có mặt tại viện từ 6h sáng, học cách rạch da đầu không bị chảy máu, cách khoan tay, cưa hộp sọ đến kỹ năng phán đoán tình huống cấp cứu. Hai thập niên trước, các phương tiện chưa phát triển, các ca mổ não mất nhiều thời gian can thiệp hơn.
"Bộ não chứa nhiều bí ẩn, chằng chịt dây thần kinh mềm oặt, mỗi ngày là một bài học nên rất say mê", bác sĩ nói. Với anh, đây là khoảng thời gian "làm giàu kỹ năng" vì được cập nhật kiến thức đa dạng từ những bác sĩ gạo cội đến đồng nghiệp, người bệnh.
Không có lĩnh vực phẫu thuật nào dễ dàng và mọi bác sĩ đều phải tận tâm với nghề của mình. Tuy nhiên, mổ thần kinh được coi là thách thức nhất vì rủi ro cao hơn nhiều so với mổ thông thường.
Phẫu thuật thần kinh đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức thấu đáo về bộ não và các chức năng của nó. Đây là cơ quan phức tạp, "trung tâm điều hành" có nhiệm vụ chi phối, điều khiển mọi chức năng của cơ thể. Điều này đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo rất nhiều cũng như trải qua hàng nghìn giờ làm việc.
Hơn 20 năm trong nghề, ca mổ dài nhất của anh kéo dài 18 tiếng. Bệnh nhân 40 tuổi, mắc u não phức tạp cao hơn. Sau hội chẩn nhiều chuyên khoa và hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, kíp quyết định phẫu thuật để bóc tách toàn bộ khối u, mục tiêu là không làm ảnh hưởng đến chức năng thần kinh hay vùng não quan trọng, hạn chế di chứng sau này.
Lúc này, kỹ thuật can thiệp còn nhiều hạn chế. Bác sĩ phải đứng từ ba đến 4 tiếng, khoan, mài xương sọ bằng tay, khéo léo luồn dụng cụ qua hàng chục lớp dây thần kinh "tua tủa" để đưa khối u ra ngoài. Thời gian kéo dài khiến cả kíp bơ phờ, mệt mỏi, chỉ biết dùng ánh mắt, cái gật đầu, cái vỗ vai để động viên nhau. Phòng mổ chỉ còn tiếng dụng cụ va vào nhau, "áp lực, căng thẳng là không kể hết", bởi "một chút sơ sẩy có thể dẫn đến tai biến".
Bệnh nhân may mắn can thiệp thành công. Sau mổ, bác sĩ Tuyển cùng đồng nghiệp tiếp tục ở lại theo dõi quá trình người bệnh hồi tỉnh hoặc nghiên cứu thêm tài liệu. Với anh, sự hồi phục, trở lại đời thường của bệnh nhân là động lực lớn nhất, giúp bác sĩ thêm yêu nghề.
"Đây là công việc đầy thử thách, nhưng khi ở trong phòng mổ, tôi có cảm giác thời gian và thế giới như tan biến, bởi lẽ mình quá say mê với những gì đang làm", anh Tuyển nói, thêm rằng nhiều khi rời viện lúc trời gần sáng, đói và kiệt sức, nhưng trong lòng là cảm giác hài lòng vì ca mổ thành công.
Thùy An