Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành hôm 10/12 đã cưỡng chế buộc anh Phạm Văn Luận phải bàn giao căn nhà đang chiếm giữ tại ấp An Bình, xã Bình An cho hai em ruột là Phạm Thanh Tùng (37 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam - dioxin, mất 85% sức khỏe) và Phạm Văn Sơn, 43 tuổi.

Anh Phạm Thanh Tùng. Ảnh: Nguyễn Khoa.
Theo hồ sơ, vợ chồng bà Hoàng Thị Huệ có 8 người con, bốn gái, bốn trai. Năm 1987, người chồng mất ở tuổi 50. Bốn năm sau, bà Huệ làm thủ tục và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các mảnh đất vườn, đất ruộng, đất thổ cư.
Sau đó, bà tách thửa chia cho sáu con đầu, mỗi người một nền nhà, từ 140 đến 180 m2, tùy vị trí. Riêng Tùng và Sơn được mẹ lập di chúc để lại mảnh đất 1.000 m2 trồng dừa nước ven sông. Trên phần đất có ngôi nhà cấp bốn 120 m2. Còn phần đất ruộng hơn 8.000 m2, người mẹ để lại chung cho các con. Năm 2011, bà Huệ mất khi 67 tuổi.
Ba năm sau, anh Luận cùng anh trai và bốn chị em gái cho rằng mẹ chia tài sản không đều nên khởi kiện. Ngoài phần đất mẹ cho, những người này yêu cầu tòa chia nhà đất của hai em thành tám phần đều nhau. Ngay sau đó họ đuổi các em đi để chiếm đất và nhà.
Hơn bốn năm với nhiều lần hòa giải bất thành, tháng 5/2018, TAND huyện Châu Thành xử sơ thẩm lần hai nhận định, phần đất mà bà Huệ cho hai con trai là đúng, vì thế họ có quyền quyết định nên đã bác yêu cầu lần hai của các nguyên đơn. Họ kháng cáo và không được tòa phúc thẩm chấp nhận.
Bản án có hiệu lực hồi tháng ba, nhưng người anh vẫn tiếp tục chiếm giữ căn nhà đến nay. "Khi được cưỡng chế bàn giao lại nhưng anh em tôi chưa thể về ở được. Anh ấy chở đi hết vật dụng, đồ đạc trong nhà, nhiều nơi trên vách tường bị bôi bẩn, đèn điện bị tháo gỡ, phá bỏ", anh Sơn nói và cho biết phần đất ruộng hơn 8.000 m2 mẹ để lại chung cho các con thì mấy anh chị đem cầm hết.
Theo anh Sơn, khi còn ở trong căn nhà mẹ cho, anh mở ba bàn bida, bán cà phê và cho thuê bến đậu ghe tàu, mỗi tháng kiếm được 6-8 triệu đồng, tạm đủ sống cho cả nhà. Từ khi bị chiếm nhà, để an toàn, anh đưa vợ con và em trai tật nguyền ra ngoài thuê nhà với giá 3,5 triệu đồng mỗi tháng để mở quán ăn, bán trái cây sinh sống.
Anh Tùng thân thể gầy nhom, chân tay co quắp, dặt dẹo, nói không thành tiếng nhưng vẫn cố gắng tự làm phụ anh. Ông tự mày mò học, viết chữ, đánh vi tính bằng chân rồi được mọi người giúp đỡ cho tiền mua máy làm dịch vụ in thiệp, ảnh. Gần đây, anh còn nhận bán hàng online, ăn hoa hồng cho các đại lý. Tuy nhiên, công việc khá bấp bênh, mỗi tháng kiếm được vài trăm đến hơn một triệu đồng nên chi phí trang trải cuộc sống của anh phần lớn do anh trai gồng gánh.
"Vợ tôi mang bầu con thứ ba được năm tháng, việc làm ăn gặp khó khăn nên mấy tháng qua nên chúng tôi lâm nợ gần 50 triệu đồng, cuộc sống túng quẫn lắm nhưng anh em động viên nhau cố vượt qua", anh Sơn nói.
Còn anh Tùng chia sẻ rằng bản thân rất buồn khi các chị gái ủng hộ hai anh lớn kiện mình, giờ anh chị em ruột nhưng không nhìn mặt nhau. "Mong ước của tôi được trở về như ngày xưa, cuộc sống khó khăn nhưng anh chị em đều thương yêu nhau", anh nói và cho biết sẽ cố gắng tự lo cho mình để anh Sơn bớt vất vả, có thời gian lo cho vợ con nhiều hơn.
Cửu Long