Điều 29 Bộ luật Hình sự quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi có quyết định đại xá.
2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác,người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
3. Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Về loại trừ trách nhiệm hình sự, Bộ luật quy định 7 trường hợp được loại trừ gồm: sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; phòng vệ chính đáng; tình thế cấp thiết; gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên; được quy định cụ thể từ Điều 20 đến Điều 26 BLHS.
Như vậy, sự khác biệt giữa 2 chế định này nằm ở chỗ đối với miễn trách nhiệm hình sự thì hành vi của chủ thể đã cấu thành tội phạm (có tội) nhưng vì lý do luật định nên được miễn. Ví dụ như trong quá trình giải quyết vụ án, người phạm tội bị ung thư giai đoạn cuối, không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự (được tha).
Còn loại trừ trách nhiệm hình sự thì hành vi mà chủ thể đã thực hiện không phải là tội phạm. Ví dụ: người mắc bệnh tâm thần đến mức không thể nhận thức và làm chủ hành vi mà gây thương tích cho người khác thì không bị xử lý hình sự nhưng có thể bị bắt buộc chữa bệnh.
Về lý lịch tư pháp (LLTP), đây là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Như vậy, hành vi được loại trừ trách nhiệm hình sự (không có tội) đương nhiên không được ghi nhận trong LLTP. Trường hợp ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật) mà được miễn trách nhiệm hình sự thì hành vi phạm tội cũng không được ghi trong LLTP.
Đối với hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ được thể hiện trong LLTP dù sau đó được miễn trách nhiệm hình sự.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty Luật Bảo An, Hà Nội