Tati Bruening, nhà sáng tạo nội dung kiêm nhiếp ảnh gia 22 tuổi, muốn đăng ảnh chế và nội dung nấu ăn lên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi truy cập Instagram, cô từ bỏ ý định vì nơi đây quá "nghiêm túc", đa số bài đăng có sẵn kịch bản và được thực hiện một cách trau chuốt.
"Cứ như tồn tại tiêu chuẩn bất thành văn về những thứ đủ điều kiện để xuất hiện trên Instagram", cô nói.
Theo Bruening, thay vì ảnh đời thường, mạng xã hội hiện nay hướng người tham gia tới những nội dung chuyên nghiệp hóa. Blogger với kỹ năng chỉnh sửa điêu luyện có thể tạo ra sản phẩm thu hút khán giả, từ đó kiếm tiền nhờ hợp đồng quảng cáo. Đội ngũ điều hành nền tảng cũng khuyến khích sự phát triển của blogger bằng các chương trình ưu đãi. Dù vậy, xu hướng này khiến nhóm người dùng phổ thông cảm thấy bị bỏ rơi.
Hanna Stowe, 23 tuổi, sống tại New York, vẫn truy cập Instagram nhưng hiếm khi chia sẻ nội dung. Cô cho biết chỉ đăng khoảng 4-5 bài mỗi năm. Trong khi đó, Andrea Casanova, một KOL trên mạng xã hội, nói không biết nên chia sẻ thêm nội dung gì để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của nền tảng.
"Ngày càng nhiều người ngại đăng bài lên mạng xã hội vì nghĩ những khoảnh khắc trong cuộc sống của họ không đủ đặc sắc", cô nói.
Theo Business Insider, không chỉ Instagram, nhiều nền tảng khác đang khiến người dùng chán nản. Họ tìm đến các ứng dụng nhắn tin theo nhóm để thoải mái trò chuyện mà không lo bị phán xét. "Những người ở đó không thấy phiền dù tôi không làm mờ vết mụn trên trán", một người cho hay.
Adam Mosseri, Giám đốc điều hành Instagram, cũng xác nhận tình trạng này. Ông cho rằng chỉ KOL và các nhà sáng tạo mới thường xuyên chia sẻ nội dung dưới dạng công khai. Những người dùng còn lại thường sử dụng tin nhắn hoặc đăng bài dưới dạng riêng tư. Điều này khiến mạng xã hội không thể duy trì mục tiêu ban đầu và mất dần sức hút.
Ví dụ BeReal, ứng dụng khuyến khích người dùng chia sẻ ảnh không chỉnh sửa, từng được định giá 630 triệu USD nhưng đang ghi nhận lượng người dùng giảm mạnh sau một năm. Các nền tảng như Dispo, Poparazzi hay Locket có kết quả tương tự dù áp dụng nhiều chiến dịch quảng cáo. Thậm chí ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng không thể gặt hái thành công khi ra mắt mạng xã hội chia sẻ ảnh Lemon8.
Vào tháng 7, Meta trình làng Threads trong bối cảnh đối thủ Twitter gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, ứng dụng chỉ còn 10,3 triệu người dùng mỗi ngày, giảm 79% sau một tháng hoạt động. Các chuyên gia đánh giá mạng xã hội thường bùng nổ trong vài tuần rồi nhanh chóng trở nên nhàm chán do chỉ sao chép ý tưởng của nhau mà không tập trung phát triển tính năng mới.
Người dùng hướng tới các ứng dụng nhắn tin
"Tôi quá mệt mỏi với mạng xã hội và chán phải tiêu thụ lượng lớn thông tin trên đó", Walib Malb, 23 tuổi và thường xuyên làm việc với các nhà sáng tạo nội dung, cho biết.
Theo Business Insider, nhiều người chọn nhắn tin theo nhóm để xây dựng các cộng đồng riêng, có kết nối chặt chẽ và tránh xa hàng loạt ánh mắt dõi theo trên mạng. Điều này giúp các ứng dụng hỗ trợ tin nhắn đạt mức tăng trưởng mạnh thời gian qua.
Ví dụ, theo Statista, Discord, nền tảng trò chuyện trực tuyến nổi tiếng, hiện đạt hơn 170 triệu người dùng trung bình mỗi tháng. Con số này ở Telegram là 700 triệu người. Trên hai nền tảng này, người dùng có thể tham gia các phòng chat, kênh chat với hàng trăm nghìn người để cùng trao đổi về một chủ đề.
"Trên các ứng dụng trò chuyện, người dùng giao tiếp với các cá nhân cùng quan điểm và không cần cố chứng tỏ điều gì. Mọi người có cơ hội tham gia các cộng đồng phù hợp, thứ khó tìm thấy trên mạng xã hội", Vicroria Johnston, một kỹ sư phần mềm, nhận xét.
Xu hướng mới của người dùng cũng buộc các nền tảng mạng xã hội lớn phải thay đổi. Hiện Instagram cũng đã giới thiệu dịch vụ trả phí giúp người dùng đăng ký tham gia các cuộc gọi nhóm độc quyền.
Hoàng Giang