Tại cuộc họp ngày 16/7, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Lâm Đình Thắng đề xuất giải pháp xử lý tin giả, tin xấu độc bằng việc định danh tài khoản. Theo đó, tài khoản trên mạng xã hội, gồm nền tảng xuyên biên giới, phải định danh, sau đó mới được tham gia bình luận.
Định danh tài khoản là việc xác minh danh tính của người dùng trên nền tảng số. Thực tế trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu phương án này nhằm quản lý người dùng mạng xã hội. Trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72 và 27 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ đã bổ sung yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới phải tiến hành xác thực tài khoản người dùng, sử dụng số điện thoại di động khi đăng ký tài khoản.
Vì sao xác thực bằng số điện thoại?
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, giải thích hồi năm 2023 rằng việc xác thực người dùng trên mạng xã hội thường được thực hiện qua ba hình thức, gồm email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân, như CCCD. Trong đó, số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam, trong bối cảnh người dùng có xu hướng chuyển từ máy tính sang thiết bị di động nhiều hơn. Sau quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao năm ngoái, hàng chục triệu sim rác và sim không chính chủ cũng đã được xử lý.
Ngoài ra, đa số mạng xã hội trong và ngoài nước đều đã yêu cầu người dùng xác thực thông qua số điện thoại. Đại diện Cục dẫn thống kê cho thấy các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực bằng email (30%), số điện thoại (30%), còn 40% cho người dùng chọn một trong hai hình thức email hoặc số điện thoại.
Những năm qua, Facebook đã yêu cầu người dùng xác thực qua email hoặc số điện thoại dùng WhatsApp. Từ 2014, người dùng nền tảng này ở nhiều khu vực, trong đó có Việt Nam, phải sử dụng tên thật. Quy định này sau đó được nới lỏng. Tuy nhiên, khi có vấn đề liên quan tới tài khoản, người dùng phải gửi thông tin cá nhân, như ảnh chụp giấy tờ tùy thân cho mạng xã hội xét duyệt.
YouTube và Google không yêu cầu danh tính khi lập tài khoản. Tuy nhiên, người dùng cũng cần nhập số điện thoại để xác minh, bảo mật hai lớp. Riêng với người kiếm tiền từ YouTube và Google AdSense, nền tảng bắt buộc cung cấp danh tính cá nhân, nếu không sẽ bị dừng thanh toán. TikTok xác thực qua số điện thoại hoặc email, tùy theo quá trình đăng ký của người dùng.
Thách thức khi xác thực người dùng
Quản trị viên một diễn đàn lớn trong nước cho biết quy định mới có thể khiến họ gặp khó khăn khi muốn thu hút người dùng ở nước ngoài, vốn không có số điện thoại Việt Nam. Trong khi với các nền tảng xuyên biên giới, người nước ngoài hoặc những ai sử dụng công cụ thay đổi địa chỉ IP vẫn có thể đăng ký tài khoản, cung cấp nội dung đến Việt Nam mà không cần xác thực danh tính.
Ở góc độ bảo mật, một số chuyên gia cũng lo ngại vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân. "Đã có nhiều vụ lộ thông tin người dùng từ mạng xã hội. Một số người có thể chọn tên ảo để hạn chế việc khai báo thông tin cá nhân. Nhu cầu ẩn danh để tương tác là nhu cầu thực, có từ lâu trước khi Internet phát triển", một chuyên gia bảo mật nhận định và cho rằng việc xóa bỏ tính ẩn danh vô cùng khó, đòi hỏi nỗ lực của các bên, từ cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ đến người dùng.
Tuy nhiên theo cơ quan quản lý, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng, nên việc bổ sung quy định mạng xã hội phải xác thực tài khoản qua số điện thoại di động tại Việt Nam là "cần thiết". Nội dung gắn với cá nhân cụ thể cũng khiến người dùng thận trọng hơn khi đăng tải, chia sẻ, bình luận.
Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm "xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số", cung cấp thông tin cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu, để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Lưu Quý