Các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu của giới truyền thông Đức cho thấy Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội với 42% số phiếu, tăng 8% so với năm 2009. Đảng đối thủ Dân chủ Xã hội (SPD) giành được khoảng 25%.
Tuy nhiên, đảng liên minh của bà - đảng Tự do dân chủ (FDP) có thể không giành đủ 5% số phiếu để vào được Quốc hội. Vì thế, Thủ tướng Đức sẽ phải tìm kiếm một đại liên minh với đảng SPD, CNN cho biết. Trong trường hợp này, bà Merkel sẽ phải nhượng bộ một số vấn đề như tăng thuế thu nhập với người giàu và mở rộng áp dụng lương tối thiểu sang nhiều lĩnh vực.
Ông Holger Schmieding - kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg cho biết: "Các chính sách với đồng euro của Đức đều dựa trên sự ủng hộ của người dân và thống nhất với các đảng chính. Sự ủng hộ mạnh mẽ với bà Merkel và đảng CDU đã chứng minh được điều đó". Sau tin tức về cuộc bầu cử, đồng euro sáng nay đã chạm đỉnh 7 tháng so với USD, theo Bloomberg.

Bà Merkel không giành được thiện cảm của nhiều người châu Âu, do các điều kiện khắt khe với những nước nhỏ muốn được cứu trợ. Tuy vậy, phần lớn người Đức lại ủng hộ cách giải quyết của bà với cuộc khủng hoảng. Vì thế, kể cả khi phải lập liên minh với đảng khác, các chính sách của bà Merkel cũng sẽ không thay đổi nhiều.
Khi suy thoái chấm dứt và thị trường dần ổn định, các chính sách của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã được nới lỏng. Tuy vậy, chính phủ mới của Đức sẽ vẫn là trung tâm giải quyết các vấn đề lớn của khu vực, như tăng trưởng chậm, thất nghiệp kỷ lục, già hóa dân số và nợ công tăng cao.
Hy Lạp vẫn cần giúp đỡ, Bồ Đào Nha cũng có thể cần đến gói cứu trợ thứ hai. Thêm vào đó, tốc độ khắc phục hệ thống ngân hàng châu Âu còn rất chậm chạp. Trong khi đây lại là việc cần thiết để phá băng thị trường tín dụng và khôi phục sức mạnh kinh tế dài hạn cho khu vực.
Đức là nền kinh tế hàng đầu eurozone, đóng góp gần 30% GDP trong khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây hiện thấp thứ hai châu Âu. Họ cũng là quốc gia đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP 0,7% của eurozone trong quý II, kéo khu vực ra khỏi tình trạng suy thoái 6 quý liên tiếp.
Thùy Linh