Nhờ nhu cầu từ rất nhiều đối tượng khác nhau, Đức, đặc biệt là thủ đô Berlin, đang dần trở thành một trung tâm phát triển cho các loại tiền ảo và công nghệ khối chuỗi.
"Công nghệ này được thúc đẩy bởi những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, muốn thoát khỏi các ngân hàng. Và giờ các ngân hàng cũng quảng cáo cho công nghệ này. Rất nhiều người chơi chính đang ở Berlin mà", Shermin Voshmgir - nhà sáng lập BlockchainHub cho biết.
Deutsche Bank và Bertelsmann thuộc nhóm ngân hàng đầu tư và công ty truyền thông lớn nhất thế giới. Cả hai đều đang tích hợp khối chuỗi vào hoạt động. Tại Munich và Bonn, các công ty fintech và quỹ đầu tư mạo hiểm cũng đang nhảy vào lĩnh vực tiền kỹ thuật số. Còn ở Berlin, cộng đồng khối chuỗi tại đây đã dần lớn mạnh nhiều năm qua.
Từ năm 2008, hơn 1.300 dự án lập trình liên quan đến blockchain đã được thực hiện tại Đức, theo số liệu của Deloitte và nền tảng lập trình GitHub. Hiện Đức là thị trường lớn thứ 4 thế giới cho hoạt động này, sau Trung Quốc, Mỹ và Anh.
Đức nổi tiếng là quốc gia thích tiền mặt, nghi ngờ các công cụ tài chính phức tạp và thường ứng dụng xu hướng công nghệ rất muộn. Vì thế, việc tiền kỹ thuật số được ưa chuộng tại đây là điều khá ngạc nhiên.
Một nghiên cứu năm 2016 của International Journal of Central Banking cho thấy người Đức dùng tiền mặt trong 82% giao dịch và 53% hoạt động thanh toán, tính theo giá trị. Con số này cao hơn nhiều so với Mỹ, Anh hay Pháp. Câu châm ngôn nổi tiếng của người nước này là "Chỉ tiền mặt mới là thật".
Việc này xuất phát từ nỗi ám ảnh lạm phát phi mã của người Đức từ thời thập niên 20. Nỗi sợ đó khiến họ luôn ngờ vực chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau khủng hoảng nợ công.
Tuy nhiên, chính nó lại khiến người Đức thích Bitcoin. Do việc tạo ra Bitcoin rất khó, mất nhiều thời gian và số đồng lưu thông cũng bị hạn chế, lạm phát khó xảy ra. Mạng lưới Bitcoin cũng được quản lý bởi các quy tắc, thay vì ngân hàng. Điều này rất được lòng những người theo chủ nghĩa kinh tế tự do được điều tiết tại đây.
Bên cạnh đó, Jürgen Stark - cựu thành viên hội đồng lãnh đạo ECB lý giải: "Trong bối cảnh lãi suất thấp, hoặc thậm chí âm như hiện nay, rất nhiều người sẵn sàng liều lĩnh".
Một số người, như Jörg von Minckwitz, cảm thấy hấp dẫn vì Bitcoin không bị chính quyền quản lý. Anh đã thành lập một công ty có tên Bitwala năm 2011, trong thời kỳ khủng hoảng nợ. "Ở Đức, chúng tôi luôn có vấn đề với giới chức và những người cố kiểm soát tiền của chúng tôi", anh nói.
Jörg Platzer - một kỹ sư IT tại Đức đã gọi quán bar Room 77 của mình ở Berlin là "cửa hàng truyền thống đầu tiên trong việc chấp nhận Bitcoin". Từ nhiều năm nay, ông đã thanh toán cho các nhà cung cấp bia bằng Bitcoin.
Gavin Wood - đồng sáng lập Ethereum cho biết phần lớn công việc phát triển của họ được thực hiện bởi nhóm ở Berlin. WSJ cũng trích nhiều nguồn tin thân cận cho biết thành phố này có các kỹ sư chuyên làm việc cho các công ty đăng ký tại nơi khác, như Anh hay Hà Lan.
Khối chuỗi "là công nghệ tuyệt vời, cho phép chúng tôi tối ưu hóa việc kinh doanh hiện tại, thậm chí đem về nguồn thu mới", Thomas Nielsen - Giám đốc Kỹ thuật số phụ trách Giao dịch Ngân hàng tại Deutsche Bank cho biết.
Những nhà đầu tư mạo hiểm từ lâu vẫn phớt lờ Đức vì sự thận trọng khi áp dụng công nghệ mới cũng đang xếp hàng vào đây. Một trong số họ - Felix Haas cho biết: "Tuần nào tôi cũng có kế hoạch liên quan đến tiền kỹ thuật số".
Tháng trước, anh đã mở một công ty có tên House of Coins để bán bất động sản tại vùng Bavaria bằng Bitcoin. "Cuối cùng, chúng tôi cũng đã không bỏ lỡ chuyến tàu", anh kết luận.
Hà Thu (theo WSJ)