Có hơn chục lá đơn gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có đơn ký tên hơn 41 nhân viên bệnh viện, một số đơn do cá nhân đứng tên như ông Nguyễn Trí Liêm (giám đốc Bệnh viện Hoài Đức) và bệnh nhân phản ánh bác sĩ Nguyệt gợi ý bệnh nhân làm xét nghiệm ngoài chỉ định.
Nội dung chính trong lá đơn ký tên hơn 41 nhân viên bệnh viện là bác sĩ Nguyệt thường xuyên gợi ý bệnh nhân làm xét nghiệm ngoài chỉ định để thu tiền riêng. Sự việc đã được lãnh đạo bệnh viện nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục. Vì vậy, "lãnh đạo bệnh viện đã phân công bà Nguyệt làm xét nghiệm nội viện để hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân". Nội dung thứ hai phản ánh bác sĩ Nguyệt cũng "chính là người từng nhân bản kết quả xét nghiệm".
Sau khi đơn vừa nộp lên cơ quan chức năng thì người ký tên đã đồng loạt xin rút. Đại diện công đoàn bệnh viện giải thích, sau khi đơn được nộp lên một ngày thì tất cả đảng viên tham gia ký đơn đã xin rút đơn. Nguyên nhân rút là đảng viên không được ký a dua theo quần chúng, nếu muốn phải đứng đơn một mình. "Không còn ai muốn đứng đơn tố bác sĩ Nguyệt. Hiện bệnh viện cũng không giữ lá đơn này", đại diện công đoàn cho biết.
Cơ quan chức năng cũng nhận được đơn kêu cứu của những nhân viên phòng xét nghiệm với nội dung bị "giăng bẫy". Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, ông Nguyễn Trí Liêm đang bị đình chỉ công tác, cũng "tố ngược" bác sĩ Nguyệt đã gợi ý bệnh nhân làm xét nghiệm và là tác giả của việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm. Bằng chứng là 161 hồ sơ bệnh án từ tháng 1 đến tháng 6/2012 do bác sĩ Nguyệt làm xét nghiệm có kết quả huyết học giống nhau.
Trao đổi với VnExpress.net, bác sĩ Phan Thị Toàn, kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm một trong những người tham gia ký đơn, giải thích: "Tôi không ký đơn tố cáo, mà chỉ ký vào đơn kêu cứu với nội dung tạm ngừng việc khen thưởng bác sĩ Nguyệt". Chị cho rằng: "Tôi rất bức xúc, người không đáng tôn vinh lại được tôn vinh". Bác sĩ Toàn nói, sau đó người làm đơn đã sửa lại một lá khác và đề nghị chị ký lại. "Tôi không đọc kỹ đơn này trước khi ký, sau đó đã rút khỏi tên trên đơn", chị nói.
Chia sẻ về việc bị tố cáo ngược, bác sĩ Nguyệt nói: "Tôi chỉ muốn nói, các bạn hãy yên tâm về tôi. Tôi không bao giờ làm những việc như đơn tố cáo. Cơ quan điều tra sẽ làm sáng tỏ vấn đề", chị nói. Kỹ thuật viên xét nghiệm này đã khóc rất nhiều khi biết bị tố cáo ngược, nhưng nói rằng "đã lường trước và sẵn sàng tâm lý cho những việc như thế này" khi quyết định đưa ra ánh sáng vụ hàng nghìn kết quả xét nghiệm đã bị làm giả để trả lại bệnh nhân.
Giải thích kỹ hơn về việc 161 bệnh án "nhân bản" phiếu huyết học có chữ ký của mình, bác sĩ Nguyệt xác nhận đúng là chữ ký của chị nằm trên phiếu. Vấn đề là tờ kết quả xét nghiệm trước nay không có chữ ký. "Đây có thể là thủ thuật gán ghép", chị đoán. "Hiện nay chúng tôi cẩn thận hơn nên đã ký lên cả tờ kết quả xét nghiệm", bác sĩ Nguyệt nói.
Trong khi đó, điều dưỡng Nguyễn Văn Lý, nhân viên kho lưu trữ bệnh án phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hoài Đức cho biết, ông thấy lạ không hiểu tại sao có 161 bệnh án (được cho là có chữ ký của bác sĩ Nguyệt trên tờ kết quả xét nghiệm) đáng lý do ông cất giữ lại nằm ở phòng dân quân tự vệ, cách kho lưu trữ vài phòng.
Ông Lý cho biết, thời gian qua gần như ngày nào ông cũng phải đưa bệnh án phục vụ việc điều tra. Vào một ngày nghỉ cuối tuần, giám đốc Liêm - khi đó chưa bị tạm đình chỉ đã cùng 2 nhân viên khác, yêu cầu ông mở kho bệnh án, đưa những tập hồ sơ bệnh án cho họ. Việc này kéo dài từ sáng đến quá trưa. Sau đó, khi giám đốc Liêm bị đình chỉ, ông mới biết chuyện 161 bệnh án "thất lạc" khỏi kho lưu trữ.
"Trước đó, việc tìm bệnh án bệnh nhân đều do tôi làm. Từ khi có cơ quan điều tra vào cuộc, tôi chỉ đưa ra những tập được yêu cầu. Còn họ lấy bệnh án của ai, bác sĩ nào, số lượng bao nhiêu... tôi không biết", ông Lý nói. Hiện 161 bệnh án "đi lạc" này đã trở về kho lưu trữ do ông Lý quản lý.
Về vấn đề này, ông Hoàng Thịnh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, cho biết tối thứ 7 tuần trước chính ông nhận được tất cả các đơn tố cáo "ngược" đó, có 41 nhân viên bệnh viện tham gia ký đơn, ngoài ra còn một số đơn của người dân. Ngay sáng hôm sau, tất cả đều đã đồng loạt rút đơn, do họ "đã nhận thức ra vấn đề, gửi đơn không phù hợp". Về tính xác thực của những thông tin trong các đơn tố cáo này, ông Trường cho biết tất cả đều phải chờ cơ quan điều tra.
Vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ khoa xét nghiệm, tố cáo đến cơ quan chức năng. Theo chị, sự việc này diễn ra từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013 tại khoa Huyết học. Trong khi bộ phận cán bộ chính quy, phụ trách máy móc Nhà nước đầu tư thì chủ yếu ngồi chơi vì không có việc làm. Còn bộ phận ngoại trú, phụ trách máy móc tư nhân, lại làm không hết việc. Bộ phận này chỉ xét nghiệm vài mẫu máu, rồi lấy kết quả trả cho nhiều người khác.
Công an Hà Nội đã vào cuộc, điều tra sơ bộ xác định trong thời gian này Khoa xét nghiệm đã cấp phát 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau (2, 3 hoặc 4 người giống nhau). Bệnh viện đa khoa Hoài Đức được bảo hiểm thanh toán cho số phiếu xét nghiệm trên, tổng cộng trên 60 triệu đồng.
Phan Dương