Đó là ngày đầu tháng sáu, lãnh đạo xã Bình Trung gọi điện cho ông Lực "khi nào chú Sáu về thì ghé xã". Đang làm bảo vệ cho một toà nhà ở Đà Nẵng, ông bắt xe đò vượt 130 km về trong đêm. Tám giờ sáng hôm sau, ông mặc quần áo chỉnh tề lên ủy ban xã. Chủ tịch xã thông báo được uỷ quyền tặng giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi và đưa ông vào phòng họp nhỏ, nơi có bốn cán bộ đã ngồi chờ sẵn. Sau khi đọc quyết định khen thưởng, ông Sáu lên nhận giấy khen, kèm một bó hoa và một triệu đồng.
"Tôi thấy tủi thân và cô đơn quá, nên mới nhờ một cán bộ xã chụp giúp tấm ảnh lưu lại làm kỷ niệm", ông kể. Bức ảnh ấy không có nụ cười nào. Đó là tất cả những gì ông Sáu được nhận từ chính quyền, sau năm năm đổ máu và nước mắt, lăn lộn trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Buổi "lễ" khen thưởng diễn ra năm phút, với sự tham dự của năm cán bộ xã ấy, không phải là lần duy nhất ông Lực cảm thấy cô đơn, lạc lõng. Bởi nửa thập kỷ tố cáo gói thầu A3 do Công ty TNHH tập đoàn công trình giao thông tỉnh Giang Tô (JTEG), một đại gia ngành hạ tầng Trung Quốc làm ăn gian dối, với ông là cả một hành trình đơn độc.
Ông đơn độc trong tư cách một công dân, khi chính quyền không ủng hộ. Ông đơn độc trong tư cách một con người, khi chính gia đình khi vợ con nhiều lần ngăn cản. Ông đơn độc giữa xóm làng vì nhiều lần ông vận động, không ai dám ký vào "đơn báo cáo". Ngần ấy năm, một mình lão lăn lộn trên cao tốc, gửi đi hàng chục lá đơn, hàng trăm bức ảnh lên xã, huyện, tỉnh và nhiều cơ quan trung ương, nhưng chỉ nhận lại sự im lặng.
Phải chờ đến khi Bộ Công an khởi tố 10 bị can với cáo buộc sai phạm và gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chính quyền xã mới xem đó là một sự kiểm chứng, "đánh giá thành tích" để ký tặng ông Lực một tờ giấy khen. Giấy khen được đóng khung tối giản, ghi thành tích đã "phát huy tinh thần giám sát của người dân, tham gia giám sát các dự án trên địa bàn xã Bình Trung". "Dự án cao tốc", hay hành động "phòng chống tham nhũng", điều quan trọng hơn, đã không được nhắc đến. Dù theo lý giải của vị chủ tịch xã, trong hồ sơ đề nghị khen thưởng, xã đã nêu rõ tên dự án.
Không ai từng tin việc ông Lực tố cáo nhà thầu sẽ đem tới hiệu ứng nào. Nhất là những lần họ biết ông bị đánh, mặt bê bết máu, phải nằm viện hàng tuần; hay lần căn nhà cũ nát bị nhóm giang hồ ném những hòn đá cuội to bằng nắm tay vào mái ngói, cửa kính trong đêm. Những ngày như thế, hai con người tuổi lục tuần tự đi nhặt từng viên đá cuội cho vào bao tải để sau này làm "bằng chứng". Bằng chứng gửi ai và sẽ để làm gì, họ không biết. Họ vẫn đơn độc.
Không thể đo đếm hết hiệu quả từ nỗ lực thầm lặng của ông, nhưng nhiều người phải thừa nhận, sự có mặt của lão nông khiến nhà thầu luôn dè chừng, thi công cẩn thận hơn. Từ một người từng đi làm thuê cho nhà thầu Trung Quốc, từng sợ hãi, ông đã mạnh dạn tuyên bố "không sợ chết", "phải đấu tranh để có con đường đảm bảo chất lượng cho con cháu sau này".
Ở Việt Nam, đâu chỉ có mỗi dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Bộ Giao thông Vận tải đang chọn nhà đầu tư 5 đoạn cao tốc Bắc Nam, cao tốc TP HCM - Trung Lương mất khoảng 22 tỷ đồng để dặm vá, và biết bao dự án hạ tầng đặt ra dấu hỏi về chất lượng. Nhưng dường như mỗi lão nông nghèo Phạm Tấn Lực được biết tới vì dám lên tiếng "thể hiện trách nhiệm của công dân".
Không phải công dân nào đi "kiện củ khoai" cũng khiến sự việc được phanh phui, rồi được "khen thưởng", bởi không ít người bị đe doạ, trù dập. Ở Bắc Ninh, hai cụ ông Nguyễn Tiến Lãng và Nguyễn Công Uẩn khi tố cáo gần 3.000 hồ sơ thương binh giả đã bị khủng bố bằng tạt nước tiểu, phân vào nhà, bị chặt hàng trăm gốc bưởi sau một đêm. Ở Quảng Trị, anh Mai Xuân Lan bị một thanh niên dùng dao đâm tử vong khi thể hiện vai trò giám sát của công dân khi nhắc nhở người này không vượt đèn đỏ.
Tâm lý sợ hãi, sợ bị trả thù, sợ liên lụy, sợ trách nhiệm khi tố cáo, nhắc nhở những hành vi sai trái từ lâu khiến chúng ta luôn trong trạng thái né tránh, cam chịu. Ít ai biết, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận tại Hiến pháp Việt Nam và là kênh đặc biệt quan trọng giúp cơ quan nhà nước tiếp cận thông tin, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Một công dân sống trách nhiệm đầu tiên không phải chỉ với những dự án tỷ đô. Thấy hàng xóm chặn lối trên vỉa hè, ta dễ dàng xuê xoa vì không muốn sứt mẻ tình cảm; thấy ai đó xả rác nơi công cộng, ta lắc đầu rồi bỏ đi. Đó là khi mỗi chúng ta đã bỏ qua quyền của một công dân, ở những việc ai cũng có thể "giám sát". Sự đơn độc của những người như ông Lực, đến từ hành xử của chính quyền, và cũng là từ tâm lý cam chịu trong những cộng đồng.
Ông Lực nổi lên như một hiện tượng chống tiêu cực, với cách tiếp cận giản đơn là thể hiện sức mạnh của nhân dân trong giám sát các dự án công. Bởi thế, khi nhận một tấm giấy khen mà không có đến một người dân trong xã chứng kiến, ông đã rất buồn, "khen như thế thì sao khuyến khích người dân giám sát cộng đồng".
Dù chưa từng mong được tờ giấy khen khi đeo bám các sai phạm, nay được chủ tịch huyện khen, ông Lực lại không thể nở nụ cười mãn nguyện.
Nguyễn Đông