Trung tâm có hai trang trại nuôi đà điểu với tổng diện tích khoảng 130 ha. Ở đây chuồng nuôi đà điểu sinh sản được thiết kế rộng 50-80 m2; chuồng đà điểu thương phẩm diện tích 20-30 m2 mỗi con. Mỗi khu nuôi tạo đường chạy 60-100 m để chim thoải mái vận động. Trang trại còn có hệ thống nhà chế biến thức ăn, nhà ấp trứng, nuôi dưỡng đà điểu con.
Anh Khiêm quản lý khoảng 80 chuồng nuôi đà điểu sinh sản. Mỗi chuồng có hai con mái và một con trống. Với kinh nghiệm 17 năm nuôi dưỡng, sau khi quan sát 15 phút tại khu chuồng trại, anh thấy một đà điểu mái dấu hiệu sệ phần đuôi, đi lại và uống nước liên tục. Lúc này, con chim hạ hai chân xuống, bắt đầu rặn đẻ.
Ngay lập tức, anh vào trong chuồng, tiến gần đà điểu mái. Lúc di chuyển anh không quên quan sát những con trống ở gần đó, đề phòng bị tấn công khi xâm nhập "lãnh thổ" của chúng. Trứng đà điểu bắt đầu lộ khoảng một phần tư quả, chân chú chim bắt đầu chùng xuống. Anh Khiêm một tay nắm đuôi đà điểu, tay còn lại cầm khăn sạch chuẩn bị hứng trứng.
Đà điểu bắt đầu rùng mình mạnh hơn, trong 10 giây trứng đã nằm gọn trong tay người đỡ đẻ, sau đó được lau chùi cẩn thận. "Ca nào dễ đẻ chỉ cần vài phút là lấy được trứng, còn ca khó trứng thụt ra thụt vào, phải ngồi vuốt ve đến 30 phút mới hoàn thành", anh Khiêm nói, cho biết nếu trứng khi được đẻ ra mà rơi xuống đất sẽ bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng việc ấp nở của đà điểu.
Theo anh Khiêm, người nuôi đà điểu lâu sẽ hiểu từng con, hung dữ hay lành tính. Còn những công nhân mới làm quen việc nuôi đà điểu hầu như đỡ đẻ thất bại. Do đó, người mới nuôi cần chọn những chuồng có đà điểu quen hơi người, hoặc con trống hiền để ít bị tấn công. "Đà điểu là giống hoang dã nên rất sợ tiếng động, phải làm quen, chăm sóc liên tục, nó mới cho đỡ đẻ", anh Khiêm nói.
Những chú đà điểu trống thường to hơn con mái, lông đen, hai cánh có nhúm lông màu trắng. Khác với con mái nhát gan, con trống hầu như không sợ người, gặp người là xù lông, há mỏ kêu nhằm dọa nạt. Mỗi con nặng hơn một tạ, cơ chân khỏe. Nếu bị đà điểu trống đá, người có thể chấn thương nặng.
Anh Khiêm cho biết, trường hợp con trống quá hung dữ, người đỡ phải đành chấp nhận ngồi ngoài, cho con mái đẻ xuống đất mới tới nhặt lên. Chuồng thường bố trí hai lối thoát hiểm, phòng khi công nhân đang đỡ đẻ hay chăm sóc bị đà điểu rượt sẽ chui qua những lối thoát này. Làm lâu năm, nhiều kinh nghiệm, song có lúc anh Khiêm bị đà điểu tấn công, may mắn thoát được.
Tại trung tâm, có 7 công nhân làm công việc đỡ đẻ cho đà điểu, một người quản lý 80 chuồng với chiều dài khoảng 360 m. Khu chuồng diện tích rộng và dài nên việc chăm sóc đà điểu cần nhanh nhẹn. Công nhân phải bố trí thời gian hợp lý, quen biết tập tính của đàn, thao tác đỡ đẻ nhanh để làm cho nhiều con cùng lúc. Người lành nghề, làm lâu năm nhưng tỷ lệ đỡ đẻ thành công khoảng 80-90%.
Ông Ngô Văn Tưởng, Trưởng phòng kỹ thuật, cho biết đà điểu sinh sản quanh năm. Mỗi con đẻ khoảng 10 trứng và nghỉ khoảng 10 ngày rồi đẻ lại. Trung bình một con mỗi năm sẽ đẻ 50-100 trứng, thường sinh vào buổi chiều. Đà điểu trưởng thành được các công nhân đeo thẻ bài trên cổ để theo dõi, ghi các thông tin phát triển. Công nhân sẽ lau chùi cẩn thận trứng sau khi đẻ ra, ghi thông tin các con bố mẹ trước khi đem vào máy ấp.
Trại đà điểu Khatoco được lập từ năm 2004, có khoảng 600-700 con mái, mỗi năm sản xuất 12.000 đà điểu con. Ngoài ra, trong số đà điểu thương phẩm được bán đi, trung tâm để lại nuôi 7.000-8.000 con. Theo ông Tưởng, đà điểu có tính hoang dã, sức đề kháng tốt nên dễ nuôi. Ngoài thức ăn hỗn hợp, giống chim này có thể ăn rau cỏ, cây chuối, bèo lục bình...
"Đà điểu không nhiều bệnh tật so với vật nuôi khác, tính thích nghi cao. Thịt chim có lượng đạm cao, cholesterol thấp nên được ưa chuộng", ông Tưởng nói và cho biết trại chăn nuôi hoạt động theo mô hình khép kín từ sản xuất, tiêu thụ đến đóng gói sản phẩm. Trung tâm còn có nhà máy chế biến, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 22000, được nhiều khách hàng đánh giá cao.
Bùi Toàn