Bảo đi Anh năm 2013. Thông qua người môi giới địa phương, cậu được hứa miệng "sẽ giải quyết tất cả mọi vấn đề". Một tháng sau cuộc bàn bạc chớp nhoáng, Bảo nhận điện thoại báo đã làm xong hộ chiếu du lịch sang Pháp. Chi phí sang Pháp hết 20.000 USD.
Suốt cả hành trình, Bảo đổi 500 USD giấu trong người để đề phòng, không mang theo tiền mặt. Cậu được một người Việt Nam đón tại sân bay Pháp. Người này yêu cầu cậu gọi về cho bố mẹ nộp tiền lần đầu, hơn 400 triệu đồng cho người môi giới ban đầu tại Hà Tĩnh, sau đó mới được sang Anh.
Bảo được thông báo, có hai cách đi từ cảng Calais, Pháp. Nếu "đi VIP", sẽ được đóng thùng trong các xe container đông lạnh, chi phí 10.000 USD, cách này tài xế sẽ đảm bảo an toàn cho mình. Còn "đi cỏ" rẻ hơn, tốn 2.000 USD, dễ bị lộ, nhóm buôn người sẽ hướng dẫn lao động nhảy lên các xe tải phủ kín bạt, rồi vượt phà Calais vào nội địa Anh.
Chọn hình thức đi VIP, Bảo cùng với 16 lao động Việt Nam khác được nhốt trong một xe container đông lạnh. Khi xe container qua phà Calais, để tránh bị cảnh sát Anh dùng máy chụp thân nhiệt và quét hơi thở, tài xế đã hạ nhiệt độ bên trong thùng xuống -25 độ C. "Run cầm cập, hai răng dính chặt vào nhau. Nhìn xung quanh thấy ai cũng co ro". Cậu chỉ biết mình thoát chết sau 2 tiếng, khi xe đã vượt phà.
Tại đất Anh, Bảo bị người môi giới Việt Nam nhốt vào kho tại một bãi đất trống. Đợt thanh toán thứ 3: Họ yêu cầu gọi điện về cho người thân, nói đã qua Anh, đề nghị thanh toán 10.000 USD chi phí "đi VIP".
Bố mẹ cậu đã nộp 200 triệu đồng vào một tài khoản ngân hàng lập ở Việt Nam, do người môi giới chỉ định. Khi đối tác ở Việt Nam báo đã nhận tiền thành công, Bảo được thả.
Hành trình của Bảo có thể đã được thanh toán bằng euro, bảng Anh hay USD, ở Calais, Pháp hay đầu bên kia, Dover, Anh. Bảo và người thân không bao giờ biết và không cần biết, họ chỉ cần trả tiền đồng Việt Nam vào một tài khoản trong nước. Với một tuyến đường đưa người khác, chi phí có thể đã được trả ở biên giới Nga-Ba Lan (đồng rube hay zloty) hay là tại Trung Quốc (Nhân dân tệ). Toàn bộ hoạt động của những đường dây như thế này, được thiết kế tiện lợi như một công ty logistic toàn cầu. Thậm chí là hơn: chỉ riêng ở khía cạnh thanh toán quốc tế, nó trơn tru hơn dịch vụ của nhiều công ty xuất nhập khẩu có thể hứa hẹn với bạn.
Bảo đi trồng cần sa cùng với nhiều người khác, trong một căn nhà bốn tầng. Kết thúc mỗi vụ, được trả khoảng 7.000 bảng Anh.
Để gửi tiền về nhà, Bảo thông qua ông chủ người Việt. Ông này sẽ liên lạc với đối tác ở Việt Nam, đưa tiền mặt đến tận nhà, hoặc chuyển tiền trong nội địa qua tài khoản ngân hàng cho gia đình Bảo. Khi bố mẹ báo đã nhận, Bảo mới phải nộp lại số bảng Anh tương ứng. Gửi 1.000 bảng Anh sẽ bị thu phí 70 bảng, cứ thế nhân lên.
Ở pha thứ 2 của cuộc vượt biên, là đi lao động bất hợp pháp, vẫn tiếp tục là một thiết chế tài chính tinh giản hỗ trợ người như Bảo. Không có sự dịch chuyển dòng tiền từ Anh về Việt Nam. Tiền chỉ được chuyển trong nước. Cách nói USD như là một quy ước cho dễ hiểu, còn tất cả đều chỉ giao dịch bằng tiền Việt Nam khi người thân nộp tiền để con sang Anh, hoặc là nhận tiền lương từ Anh gửi về.
Vài tháng trước, tôi tới một xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), nơi có hàng nghìn người đang đi làm việc chui ở các nước châu Âu. Vị lãnh đạo xã hồ hởi khoe: việc có nhiều người dân ra nước ngoài làm ăn giúp tăng nguồn kiều hối đổ về địa phương.
Nhưng thực chất, khái niệm "kiều hối" ở đây khá dị biệt. Tiền vẫn được lao động gửi về quê, nhưng không có giao dịch quốc tế, mà qua tay giữa người với người, hoặc là giao dịch trong nước qua những tài khoản "ma".
"Những người như em chỉ là 'chân rết’ trong đường dây lao động bất hợp pháp và rửa tiền xuyên quốc gia". Bảo không lý giải được, bảng Anh có được từ việc mình trồng cần sa sẽ được chuyển thành tiền Việt theo cơ chế nào. Ngay cả việc sử dụng chúng – tiền ma túy – trong nội địa Anh cũng đã là một vấn đề với luật pháp Anh. Nói thận trọng như một cán bộ an ninh, hành vi đó "có dấu hiệu" của hoạt động rửa tiền.
Một cơ chế phức tạp và bí ẩn đã được thiết kế cho việc vượt biên và lao động bất hợp pháp. Và cơ chế đó hoạt động ngang nhiên ở những làng quê miền Trung.
Những ngày qua, tìm gặp người thân của 10 gia đình có con mất tích tại Anh, sau vụ phát hiện 39 thi thể trong container tại hạt Essex, tôi nghe các ông bố, bà mẹ kể rằng để đưa con đi sang Anh, hoặc châu Âu không hề khó, miễn là có tiền.
Ông Phạm Văn Thìn - người đầu tiên trình báo có con gái Trà My mất tích, nói rằng, một người quen biết chuyên làm "môi giới xuất khẩu lao động", đã gặp và thỏa thuận miệng để đưa con gái ông sang Anh, chi phí 950 triệu đồng. Tôi hỏi lại, sao có thể đưa một số tiền lớn như vậy mà không cần giấy tờ gì, ông Thìn đáp vì tin tưởng, họ đã đưa được rất nhiều người qua đó.
Tại các làng quê ở Hà Tĩnh, đi ngang các con đường liên thôn, liên xã vẫn thấy dán đầy tờ rơi, hoặc thông báo "có thể đưa người đi xuất khẩu lao động: Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu" nơi các cổng chào, tường ủy ban, trường học... Có lần, tôi nhận được điện thoại của một người bạn, hỏi là ở quê có người nào cần ra nước ngoài làm việc hay không, nếu giới thiệu đơn hàng tốt, sẽ được trích phần trăm. Tôi bảo không, người bạn tỏ vẻ buồn. Đến những vùng quê có người đi xuất ngoại nhiều, chỉ cần bày tỏ ý định, tôi lập tức được người dân trong vùng cho rất nhiều số điện thoại, bảo cứ gọi cho người này, người kia, sẽ đáp ứng được nhu cầu.
Tôi tìm gặp một người bạn trong ngành công an chuyên tìm hiểu về tội phạm đưa người ra nước ngoài. Cậu nhận xét, có nhiều nguyên nhân gây khó việc triệt phá. Thứ nhất, do các gia đình có con đi lao động bất hợp pháp đều giấu chính quyền, vì nếu lộ ra, họ sợ con sẽ bị trục xuất về nước.
Tiếp đến là nhóm môi giới luôn tìm cách tiếp cận người nhà lao động; khi xảy ra sự việc chết người hay tai nạn, họ đe dọa yêu cầu không báo nhà chức trách, nếu báo thì không đền tiền. Dân quê có tâm lý sự đã rồi, nên chấp nhận hợp tác để được hỗ trợ tài chính.
Cuối cùng là các giao dịch chuyển tiền chỉ thực hiện qua tay giữa người với người, hoặc qua những tài khoản ngân hàng thứ cấp. Rất khó tìm manh mối để điều tra dấu hiệu phạm tội.
Trước khi khoét sâu vào bi kịch của từng con người, động cơ và câu chuyện của riêng họ, ở góc độ quản lý nhà nước cần đặt câu hỏi cơ chế nào đã nuôi dưỡng những bi kịch đó. Cho dù động cơ là gì, họ sẽ không thể đi được nếu không có những đường dây này.
Chúng quy mô, có tổ chức, vươn bàn tay ra quốc tế và xử lý hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng giá trị ngoại tệ có nguồn gốc bất minh. Chúng hoạt động công khai, và thậm chí, trở thành một loại thông lệ. Một loại mô hình tội phạm – hay dù có nói cẩn trọng như cán bộ an ninh là "dấu hiệu tội phạm" - mà người dân quê lại thản nhiên nói là họ "tin tưởng". Một loại tội phạm có nguy cơ trở thành một tập quán văn hóa ở nhiều vùng quê.
Hành trình gõ cửa những nhân chứng của tôi chỉ đặt ra thêm những câu hỏi "Tại sao" và "Làm thế nào". Những câu hỏi không dễ trả lời. Càng khó trả lời hơn ngày nào mà những cán bộ địa phương còn cảm thấy phấn khởi tự hào về những đồng "kiều hối" không có nguồn gốc kia.
Đức Hùng