Nikon Coolpix S630 được giới thiệu lần đầu tại triển lãm Nhiếp ảnh toàn cầu (PMA) tại Las Vegas đầu năm nay. So với đối thủ Coolpix S620, S630 chỉ có tầm zoom xa hơn, còn các nâng cấp khác không nhiều.
Nikon Coolpix S630 zoom 7x. Ảnh: Nikon. |
Thiết kế của chiếc S630 khá thẩm mỹ. Trong khi hầu hết các máy ngắm chụp khác có hình hộp thì chiếc máy ảnh này lại có thân hình vuốt cong nhẹ về bên phải, giúp người chụp giữ máy chắc hơn.
Cạnh màn hình LCD 2,7 inch là bánh xe xoay 4 chiều có thể bấm được, giúp điều khiển các chế độ hẹn giờ, đèn, lấy nét và bù sáng. Bánh xe xoay là thiết kế thuận tiện khi phải lướt danh sách menu dài. Quanh bản bấm tròn là 4 nút khác giúp điều khiển các chế độ chụp đặt sẵn, xem lại hình, vào menu chính và nút xóa. Các nút đều được bố trí thuận tiện để có thể điều khiển chỉ bằng một tay.
Trong thiết kế có một nhược điểm nhỏ: nắp đậy cổng mini-USB và A/V out không mở ra hoàn toàn được nên khi cắm dây hơi bị vướng víu.
S630 có nhiều tính năng phong phú. Ảnh: Nikon. |
Chiếc S630 có khá nhiều tính năng phong phú, nhưng cũng lại thiếu một vài tính năng cần phải có so với các máy ngắm và chụp cùng loại hiện nay.
Ống kính zoom quang 7x là một nâng cấp đáng kể so với tiền nhiệm của nó là 4x. Thật hữu ích khi ta muốn chụp các chủ thể ở tương đối xa. Tuy nhiên góc mở rộng nhất của nó chỉ 37mm là một nhược điểm so với các đối thủ cạnh tranh có góc mở 28mm hoặc lớn hơn.
Nếu ai đó chỉ cần một chiếc máy ảnh ngắm và chụp đơn thuần thì chiếc S630 quả là phù hợp. Nó không có tùy chọn chỉnh tay hoàn toàn và nếu phải chỉnh độ phơi sáng thì cũng chỉ có thể cộng trừ nút bù sáng mà thôi. Có 16 cảnh đặt sẵn giúp tối ưu hóa hình ảnh trong các hoàn cảnh cụ thể.
Chiếc S630 có chức năng chỉnh nhanh (Quick Retouch) giúp điều chỉnh màu và độ bão hòa trong chế độ xem lại ảnh. Một số trường hợp chức năng này giúp làm sáng vùng tối để lấy thêm một số chi tiết.
Chế độ quay phim HD cũng ngốn khá nhiều thẻ nhớ, tuy nhiên, cũng có nhiều người thích nó và có thể sẽ cảm thấy thất vọng vì S630 chỉ quay được ở độ phân giải 640 x 480 pixel, nhưng như vậy cũng tương đối chi tiết rồi.
S630 có bộ nhớ trong là 44MB và khe cắm thẻ SD/SDHC.
Màn hình 2,7 inch. Ảnh: Nikon. |
S630 mất không đầy 2 giây để khởi động và độ trễ cửa chập là 0,05 giây, tương đối tốt, tương đương với chiếc Canon Digital IXUS 980 IS.
Chế độ chụp nhanh chuẩn đạt 1,2 hình mỗi giây, nhưng có thể tới 7 hình mỗi khi ở chế độ chụp thể thao liên tiếp. Dĩ nhiên, độ phân giải sẽ phải chấp nhận chỉ có 3 Megapixel. Ngoài ra, máy hơi gây ồn một chút khi đặt các chế độ chụp.
Chế độ chống rung quang họat động tương đối tốt, hình ảnh vẫn rõ nét khi chụp cầm tay ở tốc độ 1/20 giây. Lấy nét tương đối nhanh và chính xác, tuy cũng gặp đôi chút khó khăn khi thiếu sáng.
Nikon S630 thực thi tốt. Ảnh: Gizmag. |
Chiếc S630 có ISO chạy từ 64 tới 6.400, nhưng độ phân giải sẽ giảm xuống khi chọn ISO từ 3.200 trở lên. Cho dù thế nào thì cũng nên tránh ISO 800 và cao hơn.
Ở ISO 64, hình ảnh sạch và lưu được nhiều chi tiết. Ở ISO 100 và 200, bắt đầu thấy hơi nhiễu nếu soi kỹ trên màn hình với độ phóng đại 100%. Hình ảnh ở ISO 400 trông khá nhiễu và chi tiết bắt đầu bị nhòe. Ở ISO 800, ảnh trông như là tranh màu nước.
So sánh với Canon IXUS 980 IS hay Panasonic Lumix DMC-FX48, chất lượng hình của Nikon S630 hơi kém hơn một chút, nhưng bù lại nó lại có tầm zoom xa hơn.
Màu sắc ảnh từ S630 tương đối trung thực và đạt độ bão hòa tốt. Cân bằng trắng hoạt động chính xác kể cả các bối cảnh có ánh sáng phức tạp. Đèn flash đánh tương đối cân bằng, không hề gặp trường hợp chủ thể bị đánh đèn trắng bợt.
Nhìn chung, Nikon S630 là một chiếc ngắm và chụp tốt điển hỉnh, tuy so sánh với các máy ảnh khác trên thị trường thì nó có vẻ như thiếu một vài điểm nhấn, như ống kính góc rộng và quay phim độ phân giải cao, mà khách hàng lại dễ bị thu hút vào những tính năng này. Cũng sẽ có nhiều người thấy tầm zoom quang 7x khá hữu dụng đặc biệt trong một thân máy nhỏ gọn. Chất lượng hình ảnh nếu được cải thiện hơn một chút thì tốt hơn.
Sản phẩm có giá khoảng 7 đến 8 triệu đồng, so với những model khác, như một vài mẫu IXUS của Canon hay FX48 của Panasonic thì không có lợi vì đối thủ giá hợp lý hơn mà tính năng cũng khá.
|
Nguyễn Nhật Thanh (theo Cnet)