Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành lần đầu tiên vào tháng 12/1987, cách đây đúng 30 năm. Bộ luật đã ghi dấu chân đậm nét của chính sách đổi mới kinh tế, mở cửa để Việt Nam hòa vào dòng chảy kinh tế thế giới mà khi đó chưa có tên mình.
Thời điểm đó, ở vai trò vừa đóng góp cho dự luật vừa trực tiếp thực thi chính sách đó với nhà đầu tư nước ngoài, tôi đã phát biểu trước chính phủ: Quan trọng nhất là phải có đội ngũ tốt. Luật pháp, chính sách có hoàn chỉnh đến đâu nhưng người thực thi không hoàn chỉnh thì chính sách cũng thất bại.
Đến hôm nay, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được trình lên bàn Quốc hội. Tại hội thảo về Đặc khu kinh tế do Văn phòng Chính phủ tổ chức cách đây không lâu ở Quảng Ninh, khi tham gia phát biểu, tôi vẫn giữ nguyên một ý như 30 năm trước: Ở phía nhà nước, ta cần con người hoàn chỉnh để thực thi chính sách. Ở phía ngược lại, đối tượng để chính sách nhắm tới, là người giỏi, người giàu.
Vì sao? Bởi thứ nhất, cần những con người hoàn chỉnh về tâm và tài để không lặp lại những bài học về quản lý đầu tư công, về đầu tư nước ngoài như một số các vụ án kinh tế đã xảy ra. Lịch sử đã có những nhà quản lý các khu kinh tế, những người chịu trách nhiệm trong những cuộc cải cách mô hình kinh tế phải lên “đoạn đầu đài” (mặc dù đúng, sai còn nhiều tranh cãi).
Cần người có tâm, có tầm để không vội vã chỉ nhìn vào quy mô vốn lớn của dự án đầu tư mà cấp phép ngay, bỏ ngoài tai các vấn đề nhạy cảm khác và cái nhìn dài hạn. Nếu nhà đầu tư bỏ ít tiền nhưng không làm đến nơi đến chốn, lại “cắm rễ sâu”, “sinh con, đẻ cái” tại Việt Nam thì an ninh quốc phòng và văn hóa nước ta nhất định bị ảnh hưởng. Khi có các bất ổn về chính trị, thật khó khăn cho con cháu chúng ta xử lý vấn đề “mời khách vào nhà thì dễ, nhưng mời khách ra khỏi nhà lại khó”.
Thứ hai, ở chiều ngược lại, đặc khu kinh tế chỉ thành công nếu nó thu hút được giới tinh hoa đến sinh sống, làm việc. Mọi cơ chế ưu đãi phải xoay quanh mục tiêu trung tâm: làm sao để giới tinh hoa hội tụ về ba đặc khu. Làm được điều đó, ta đã thành công một nửa. Điều này giống như Trung Quốc đầu những năm 1980 đã mở đặc khu với mục đích thu hút 57 triệu người Hoa ở nước ngoài đầu tư về nước.
Ngoài con người, tại sao chúng ta cần có đặc khu kinh tế?
Đầu tiên là vì chính phủ muốn có các khu kinh tế thành công trong so sánh với kinh tế khu vực. Việt Nam có tới 18 khu kinh tế và nhiều khu công nghiệp đã ra đời và được rầm rộ quảng bá, vận động thu hút đầu tư trong một thời gian dài. Có những khu kinh tế được kỳ vọng của một thời như khu kinh tế Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái… nhưng đến nay, không có cái tên nào thành công.
Đó là lý do chúng ta đi phải tìm mô hình mới. Đặc khu kinh tế phải là phòng thí nghiệm chính sách, khi mà các mô hình cũ đã không hiệu quả.
Song, từ quan sát của mình sau vài chục năm làm việc trong môi trường đầu tư nước ngoài, điều tôi còn băn khoăn, là mũi nhọn của các đặc khu. Cả ba đặc khu trong đề xuất của các tỉnh và kế hoạch chuẩn bị đều xác định ưu tiên đối với “dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino”.
Và trong thực tế, ba nơi này đã nổi lên ở khía cạnh thu hút các dự án bất động sản cao cấp rất nhanh thời gian qua. Đặc biệt là Phú Quốc, nơi các nhà đầu tư bất động sản lớn nhất quy tụ với tốc độ xây dựng chóng mặt.
Hàng loạt ưu đãi chưa có tiền lệ gồm ưu đãi thuế, ngân sách, chính sách về đất đai và xúc tiến đầu tư được đề xuất cho đặc khu. Các đặc khu được khuyến nghị cho người nước ngoài mua nhà, tự do lưu hành USD. Nhưng bóng dáng các ngành nghề của tương lai như sản xuất, công nghiệp, công nghệ cao còn vô cùng mờ nhạt.
Theo tôi, có hai yếu tố sẽ tác động nhanh và mạnh tới toàn cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gồm: Sản xuất thông minh (hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) và các hiệp định thương mại. Vì thế, ưu tiên mới về thu hút đầu tư của Việt Nam bao gồm cho đặc khu phải tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước để nâng cao giá trị hàng "Made in Vietnam" trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với cơ cấu ngành kinh doanh như hiện nay, các đặc khu rất dễ trở thành một phiên bản của Macau trong tương lai. Và như thế, nó chỉ có lợi cho một nhóm người, doanh nghiệp. Người dân địa phương có thể có việc làm, nhưng chỉ là lao động dịch vụ trong các tụ điểm này.
“Mũi nhọn” này cũng khác hẳn so với Trung Quốc khi mở ra Thẩm Quyến nhằm thu hút vốn, công nghệ và tri thức vào ngành nghề chính là sản xuất và công nghiệp.
Nếu ba đặc khu của chúng ta nhanh chóng thích ứng với thời cuộc, điền tên vào bản đồ đầu tư của thế giới thì là tin vui. Nhưng nếu nó chỉ dừng ở ba nơi nghỉ dưỡng, giải trí, thì chi phí cơ hội mất đi của cả nền kinh tế cũng là rất lớn.
Tuần này, các vấn đề về đặc khu kinh tế sẽ được đặt trên bàn của đại biểu quốc hội, tôi mong họ sẽ nhìn Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc như những đối thủ của Thẩm Quyến, Thượng Hải, Hongkong, Singapore … chứ không phải với Đà Nẵng hay Bình Dương, Vĩnh Phúc.
Đặc khu phải lấy việc thu hút con người làm trung tâm. Và đó là người đến làm ăn, người đến thể nghiệm các chính sách tiến bộ, chứ không chỉ là người đến đánh bài.
Phan Hữu Thắng