12h45 sáng 10/9/1897, sĩ quan cảnh sát PC Russell thấy một tài xế đang lái chiếc taxi đi bất thường dọc theo phố New Bond ở London.
Người lái xe 25 tuổi George Smith được cho là đã chuyển hướng từ bên này sang bên kia đường, trước khi băng qua lối đi dành cho người đi bộ và đâm vào số nhà 165, làm vỡ một đường ống nước và gây hư hỏng cửa sổ phía trước của khu nhà.
Sĩ quan PC Russell tiếp cận tài xế George Smith, nhận ra hơi thở anh ta nồng nặc mùi cồn, do đó đã "hộ tống" đến đồn cảnh sát phố Vine, Westminster. Đây được ghi nhận, là vụ bắt giữ đầu tiên vì hành vi lái xe khi uống rượu.
George Smith phải xuất hiện trước thẩm phán tại tòa án cảnh sát phố Marlborough ngay hôm đó, với vị trí của bị cáo. Khi bị thẩm vấn, George thừa nhận đã uống vài ly bia trước khi lái xe.
Thẩm phán phạt George 20 shilling (khoảng 30 bảng ngày nay) và khuyên người lái xe taxi này phải hết sức cẩn thận vì an toàn của mình và những người xung quanh.
Nhưng nếu bây giờ một chiếc ôtô thông thường bị tai nạn ở cùng một nơi, mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nhiều. Nếu một người lái xe say rượu mất lái tại số 165 phố New Bond bây giờ, điều đó sẽ gây ra vô số thương tích và thiệt hại hàng nghìn USD. Khu vực này bây giờ đã là khu mua sắm nhộn nhịp và giàu có ở trung tâm thành phố London.
Thực tế, luật cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông đã có ở Anh trước đó tới 25 năm. Vào năm 1872, luật Anh đã quy định, việc say rượu khi đang điều khiển xe ngựa, gia súc và động cơ hơi nước là hành vi phạm tội hình sự. Hình phạt là phạt tiền không quá 40 shilling hoặc theo quyết định của tòa án, phạt tù kèm lao động khổ sai với thời hạn không quá một tháng.
Vào năm 1925, việc bị phát hiện say rượu khi điều khiển bất kỳ phương tiện cơ giới nào sẽ bị phạt tiền không quá 50 bảng Anh và/hoặc phạt tù trong thời gian không quá 4 tháng cũng như tước giấy phép lái xe trong thời gian tối thiểu 12 tháng.
Năm 1967, nước Anh lần đầu đưa ra giới hạn nồng độ cồn cho phép lái xe là 80 mg rượu trên 100 ml máu hoặc 107 miligam rượu trên 100 ml nước tiểu. Người nào cố tình không đưa mẫu xét nghiệm, sẽ bị xử lý như lái xe khi say.
Gần 130 năm sau bản án đầu tiên cho hành vi lái xe khi say, với nước Anh đây vẫn là hành vi bị kết tội hình sự. Như đa số các quốc gia, Anh không quy định nồng độ cồn bằng 0, nhưng phạt rất nặng vượt ngưỡng cho phép (0,38 mg/lít khí thở).
Mức phạt tiền cho lần vi phạm đầu tiên lên tới 5.000 bảng, phạt tù 6 tháng và tước bằng lái 12 tháng. Nếu tái phạm trong vòng 10 năm, thời gian bị cấm lái xe có thể lên tới 3 năm.
Cùng với Việt Nam, 4 quốc gia hiện theo đuổi chính sách zero tolerance, buộc người cầm lái phải có nồng độ cồn trong máu bằng 0 là Brazil, Séc, Nhật Bản và Qatar.
Một số nước chỉ áp quy định zero tolerance cho một số đối tượng nhất định, như tài xế thương mại, dịch vụ chuyên nghiệp (Thái Lan, Serbia), xe bus, container, đưa đón học sinh (một số bang của Australia), có kinh nghiệm lái xe ít hơn 3 năm (Italy, Thụy Sĩ) hoặc dưới độ tuổi được sử dụng rượu bia (Mỹ, New Zealand)... Argentina áp dụng zero tolerance cho bất cứ tài xế nào lái xe trên các tuyến cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ.
Việc áp dụng tuyệt đối chính sách zero tolerance từng gây nhiều tranh cãi. Ví dụ ở Brazil, dù được đề xuất từ 2012 nhưng phải sau 10 năm, tới tháng 8/2022, quy định này mới trở thành luật.
Để răn đe tài xế, luật các nước đã có những mức phạt nghiêm khắc. Nam Phi được WHO đánh giá là quốc gia có tình trạng lái xe khi say tệ hại nhất thế giới, với 6 trên 10 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông. Mức phạt Nam Phi áp cho hành vi này do đó cũng thuộc loại nghiêm nhất thế giới: Án tù tối đa 10 năm hoặc số tiền phạt tương đương 10.000 USD, đôi khi là cả hai.
Nga cũng áp khung hình phạt tương đương, từ năm 2013, cụ thể, người lái xe bị bắt quả tang lái xe trong tình trạng say rượu hai lần trong một năm hoặc người từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt tới 10.000 USD và 2 năm tù.
Ở Hàn Quốc, nếu vi phạm đến lần thứ 3, tài xế có thể bị thu hồi giấy phép lái xe vô thời hạn và phạt tù lên tới 5 năm và phạt tiền lên tới 20.000 USD. Ở Đài Loan, những người ngồi sau tay lái của người say cũng có thể bị phạt tương đương, nếu như biết về hành vi đó nhưng không ngăn cản hoặc từ chối.
Đài Loan và Đức đều phạt cả người say đi xe đạp, mức tiền ngang xe gắn máy và ôtô và sẽ nhân đôi sau mỗi lần tái phạm, kèm án tù nếu tái phạm trong thời gian 12 tháng.
Ở Mexico, người nước ngoài bị kết án lái xe khi say rượu thường bị từ chối nhập cảnh. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, những tài xế vi phạm nồng độ cồn, ngoài phạt tiền, sẽ bị đưa đi 30 km ra khỏi thành phố và buộc phải đi bộ về, có cảnh sát hộ tống.
Hải Thư (Theo History Extra, National Museum of Tort, British Newspaper Archive)