Vescovo thực hiện các chuyến lặn sâu trong 10 tháng qua ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Nam Đại Dương và Đại Tây Dương. Nhóm của ông cũng ghé thăm xác tàu Titanic. Mọi chuyến lặn đều được thực hiện bằng tàu ngầm Deep Sea Vehicle (DSV) Limiting Factor nặng 12 tấn thả từ tàu hỗ trợ DSSV Pressure Drop.
Chuyến lặn cuối cùng trong dự án "Five Deeps Expedition" kết thúc hôm 24/8 khi nhà thám hiểm tới địa điểm có tên Molloy Hole ở cách quần đảo Svalbard của Na Uy khoảng 275 km về phía tây. Độ sâu được ghi nhận trong chuyến lặn là 5.550 m với sai số dao động trong khoảng 14 m. Đây là lần đầu tiên con người tiếp cận địa điểm này.
Trong hành trình vòng quanh thế giới, các nhà nghiên cứu đã thả hơn 100 thiết bị đổ bộ. Đây là những dàn thiết bị chìm xuống đáy biển và ghi chép mọi hình ảnh và cảm biến. Nhóm nghiên cứu khoa học của Five Deeps phát hiện 40 loài mới. Một catalogue mẫu vật sinh học và mẫu nước đang chờ phân tích trong phòng thí nghiệm, bao gồm mẫu nước lấy từ 5 điểm sâu nhất ở các đại dương.
Tiến sĩ Alan Jamieson là trưởng nhóm nghiên cứu trong dự án thám hiểm. Ông cho biết tàu ngầm và trạm đổ bộ thực hiện nhiều phép đo độ mặn, nhiệt độ và độ sâu. Dữ liệu sẽ giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn vòng tuần hoàn đại dương, góp phần cải tiến các mô hình vi tính để dự đoán những kịch bản khí hậu tương lai.
Tàu DSSV Pressure Drop lập bản đồ đáy biển khi di chuyển qua 5 đại dương. Dữ liệu độ sâu được gửi cho dự án quốc tế để lập bản đồ toàn bộ đáy biển vào năm 2030. Dự án Five Deeps Expedition cũng góp phần thể hiện tiềm năng của những công nghệ khám phá biển sâu tối tân.
An Khang (Theo BBC)