"Con hiểu bố ngày nào cũng đau khổ vì con, cảm thấy có lỗi và bất lực", giọng nói máy móc của Xuanmo, con trai ông Wu, vang lên. Đó là lời nói tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). "Dù con không thể bên bố nữa, linh hồn con vẫn ở thế giới này, đồng hành cùng bố suốt đời".
Giống ngày càng nhiều người Trung Quốc, Wu và vợ sử dụng công nghệ AI để tạo ra hình ảnh sống động như thật của người đã khuất để nguôi ngoai nỗi đau mất con. Ông muốn xây dựng một bản sao như thật, hành xử giống con trai quá cố nhưng sống trong thực tế ảo.
"Khi chúng ta đồng bộ hóa thực tế và vũ trụ ảo, tôi sẽ lại có con trai", ông nói. "Tôi có thể dạy con để khi thằng bé nhìn thấy tôi, nó biết tôi là cha nó".
Một số công ty Trung Quốc tuyên bố có thể tạo ra hàng nghìn "người số" chỉ từ 30 giây dữ liệu tiếng nói và hình ảnh của người đã khuất. Các chuyên gia nhận định "người số" đem lại an ủi cho những người đau khổ vì mất đi thân nhân.
Wu và vợ rất buồn khi Xuanmo, người con duy nhất, đột tử năm ngoái khi mới 22 tuổi và đang theo học Đại học Exeter ở Anh. Cậu học ngành tài chính kế toán, yêu thích thể thao và đã đăng ký hiến tạng sau khi chết.
"Con tôi luôn tâm niệm giúp đỡ mọi người và có quan niệm đạo đức rõ ràng", Wu nói.
Làn sóng bùng nổ công nghệ như ChatGPT ở Trung Quốc khiến Wu nghĩ tới việc hồi sinh con trai. Ông thu thập ảnh, video, bản ghi âm tiếng nói của con, chi hàng nghìn USD thuê các công ty AI nhân bản gương mặt và giọng nói của Xuanmo.
Kết quả tới nay vẫn chưa được như ý, nhưng ông đã thành lập được nhóm tạo ra dữ liệu ghi nhớ khối lượng thông tin khổng lồ về Xuanmo. Wu hy vọng các thuật toán mạnh sẽ tạo ra "người số" có khả năng mô phỏng suy nghĩ và lời nói của Xuanmo với độ chính xác cao.
Một số công ty nghiên cứu về lĩnh vực tương tự đã nổi lên ở Mỹ trong những năm gần đây. Nhưng ngành công nghiệp này đang bùng nổ ở Trung Quốc, theo Zhang Zewei, người sáng lập công ty AI Super Brain từng hợp tác với Wu.
"Về công nghệ AI, Trung Quốc đang xếp vào nhóm hàng đầu thế giới", Zhang nói từ phòng làm việc ở thành phố Giang Âm, phía đông Trung Quốc. "Có rất nhiều người Trung Quốc có nhu cầu an ủi cảm xúc, tạo không gian cho chúng tôi mở rộng thị trường".
Zhang cho hay Super Brain tính phí 10.000-20.000 nhân dân tệ (1.400 - 2.800 USD) để tạo "người số" cơ bản trong vòng 20 ngày. Những hình ảnh này có thể là con cái quá cố của các bậc cha mẹ còn sống, thậm chí là bạn trai cũ của một phụ nữ đau khổ. Khách hàng cũng có thể gọi video với một nhân viên có gương mặt và giọng nói đã được số hóa giống người đã khuất.
"Công nghệ này có tầm quan trọng lớn đối với thế giới", Zhang nói. "Phiên bản kỹ thuật số của ai đó có thể tồn tại mãi mãi dù thân xác không còn".
Suma Huangpeng, người sáng lập Siliocn Intelligence có trụ sở tại Nam Kinh, ví chúng như tranh chân dung hay ảnh chụp, giúp người ta nhớ tới người đã khuất theo công nghệ mang tính cách mạng.
Tal Morse, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Trung tâm Tử vong và Xã hội ở Đại học Bath tại Anh, cho hay "người số" có thể an ủi người khác. Nhưng ông cho rằng cần thêm nghiên cứu để đánh giá được ý nghĩa về mặt tâm lý và đạo đức của công nghệ.
"Câu hỏi đặt ra là những người số này 'trung thành' thế nào với tính cách mà chúng được thiết kế để bắt chước?", ông nói. "Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng làm 'hoen ố' ký ức của người mà chúng đại diện?"
Các chuyên gia cho hay một vấn đề khác là không thể biết người quá cố đồng ý hay phản đối việc họ được "nhân bản".
Đối với Zhang, tất cả công nghệ mới đều là "con dao hai lưỡi". "Miễn là chúng tôi giúp được đúng người, tôi thấy không thành vấn đề", ông nói. Zhang không làm việc với những khách mà anh đánh giá có thể chịu tác động tiêu cực từ "người số", nhắc đến chuyện một người mẹ đã tự tử bất thành sau khi con gái chết.
Về phía Wu, ông cho rằng Xuanmo "nhiều khả năng đồng ý" với ý tưởng hồi sinh bằng kỹ thuật số.
"Một ngày nào đó, con trai ơi, chúng ta sẽ đoàn tụ trong vũ trụ ảo", ông nói trong khi vợ đang khóc trước mộ con. "Công nghệ mỗi ngày lại hoàn thiện hơn. Vấn đề chỉ là thời gian".
Hồng Hạnh (Theo AFP)