Trong thông báo hôm 21/6, nhóm phát triển Pi Network hứa hẹn khởi chạy mạng chính thức (mainnet) vào ngày 28/6. "Mạng lưới đang đạt tiến độ ổn định để hướng tới việc chuyển sang giai đoạn mainnet quanh ngày Pi2 - 28/6", thông báo có đoạn.
Ngày 28/6 còn là ngày sinh của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Nhiều người thậm chí đưa ra những giả thuyết ông chủ Tesla là nhân vật bí ẩn đứng sau dự án Pi Network.
Từ đêm 27/6, cộng đồng Pi tại Việt Nam đã bắt đầu xôn xao chờ đợi Pi Network bước sang giai đoạn mới. Nhiều người tự nhận là chủ cửa hàng, dân kinh doanh thông báo sẽ chấp nhận Pi ngay khi đồng này có thể mang ra trao đổi, bất chấp việc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là hành vi vi phạm pháp luật.
Huỳnh Tân (TP HCM) cho biết anh là một trong những người mong Pi có giá, thay vì bằng 0 như hiện nay. Anh cài ứng dụng gần ba năm, gần như không ngày nào không vào ứng dụng để "bấm tia sét", tức truy cập Pi Network, nhấn biểu tượng tia sét để điểm danh, từ đó số Pi trong tài khoản sẽ tự động tăng lên.
"Dự án khởi chạy thật rồi. Sắp tới mỗi Pi có giá nghìn USD thì các bác sẽ mua gì đầu tiên?", thành viên Tuấn Khang đặt câu hỏi trên nhóm Pi Network với hơn 100.000 thành viên. Bài viết của Khang thu hút hơn ba trăm lượt bình luận. Bên cạnh những ý kiến cho rằng giá nghìn USD là bất khả thi, không ít người chia sẻ dự định mua nhà, mua xe, tặng tiền cho mọi người sau khi bán Pi.
"Tôi tham gia từ khi dự án còn ở giai đoạn thử nghiệm, được giới thiệu là kiếm tiền số mà không mất gì. Đến nay dự án sắp vào giai đoạn chính thức, điều tôi mong nhất là có thể đổi Pi lấy tiền hoặc món đồ gì đó", Tân nói. Anh không tin Pi có giá nghìn USD, mà chỉ hy vọng mức vài USD hoặc có thể quy đổi hàng hóa.
"Pi Network có 100 tỷ đồng Pi nên mức giá nghìn USD rất khó xảy ra. Dù vậy, đây là giá đồng thuận giữa những người sở hữu với nhau nên có thể là bất cứ con số nào", anh nói.
Tuy nhiên, để mong muốn của những người chơi như Tân trở thành hiện thực, điều kiện cần là chủ sở hữu Pi có thể chuyển tiền ảo này cho nhau. Từ cuối năm ngoái, Pi Network khẳng định đã khởi chạy mạng mainnet, nhưng chia thành hai giai đoạn: mạng kín và mạng mở. Trong đó, mạng kín là các giao dịch trong nội bộ người đào Pi với nhau, còn mạng mở là có thể trao đổi với các đồng tiền số khác. Đến nay, người sở hữu Pi chưa thể làm bất cứ điều gì với số Pi của họ.
Theo Phiên Võ, quản trị viên cộng động đào Pi hơn 130 nghìn thành viên, để dự án bước vào giai đoạn tiếp theo, việc quan trọng là cần KYC, tức xác minh danh tính người sở hữu. "Khi KYC hàng loạt thành công, các bước sau đó mới có thể tiến hành nhanh được", ông Phiên cho biết.
Trong thông báo tuần trước, nhóm phát triển khẳng định đã KYC cho một nửa số người dùng. Cơ chế của dự án này là người được KYC trước sẽ xác thực cho người sau. Tốc độ KYC cao nhất trong mạng lưới này vào khoảng 90 nghìn người mỗi ngày. Dự án cũng từng khẳng định thu hút hơn 35 triệu người dùng trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, nhiều người cũng nghi ngờ về khả năng dự án Pi Network đúng hẹn, hay đồng Pi có giá trị.
"Phát ngôn của họ chưa có gì chắc chắn, chỉ nói chung chung là mainnet xung quanh ngày 28/6. Họ từng hứa hẹn tương tự vào cuối năm ngoái, nhưng đến nay vẫn không có gì mới", Anh Minh, một người đào Pi, cho biết. Ngoài ra, trên các trang thông tin của Pi như Telegram, Twitter, dự án không có bất cứ thông báo nào vào ngày 28/6. Động thái này được đánh giá là bất thường, bởi hầu hết các dự án tiền số đều liên tục thông tin đến người dùng trong những giai đoạn quan trọng.
Thực tế trong nửa năm qua, dự án Pi Network đã thực hiện một số điều chỉnh như giảm tốc độ nhận Pi của người dùng, yêu cầu khóa số Pi hiện có, hay triển khai KYC trên diện rộng. Người dùng cũng có thể chuyển Pi cho nhau, nhưng chỉ là trên mạng thử nghiệm với số Pi "ảo" mà dự án cung cấp.
Đến nay, số đồng Pi mà người dùng "đào" trên ứng dụng di động vẫn chưa thể đưa lên mạng chính thức hay có bất cứ giá trị trao đổi nào.
Lưu Quý