Chủ nhật, 19/1/2025
Thứ bảy, 4/8/2018, 15:15 (GMT+7)

Người dân vùng ngập lụt Thủ đô mắc nhiều bệnh ngoài da

Sau nửa tháng đằm mình dưới nước do ngập sâu, nhiều người dân ở huyện Chương Mỹ bị viêm da.

Sau hơn nửa tháng ngập lụt, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) còn lại 3 xã Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ nước vẫn chưa rút. Những ngày qua nhiều "bệnh viện dã chiến mini" đã được lập để khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân.

Lực lượng y bác sỹ của huyện đội Chương Mỹ được tăng cường cùng cán bộ Trung tâm y tế đến vùng ngập.

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, từ 21/7 đến 2/8, huyện đã tổ chức 2.100 lượt y bác sỹ đến khám bệnh cho gần 2.000 lượt hộ dân. Qua đó phát hiện 6 trường hợp tiêu chảy; 46 trường hợp đau mắt đỏ; 45 trường hợp bị bệnh ngoài da. Chính quyền sẽ phối hợp với các cơ quan đoàn thể tổ chức phòng bệnh hiệu quả, sớm đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường.

"Ba ngày nay bàn tay, cánh tay và khắp người ngứa nổi mẩn như bị dị ứng. Tay mọc nhiều nốt sẩn đỏ to, gãi mãi không hết ngứa. Trong làng nhà nào cũng ngập quá nửa nhà nên không có nước sạch tắm giặt", bà Nguyễn Thị Định (thôn Nhân Lý, Nam Phương Tiến) nói với cán bộ y tế.

"Cháu tôi bị sốt và chảy nước mũi đã hơn 10 ngày nay, uống thuốc không thấy giảm bệnh. Nhà tận trong làng, nước vẫn ngập sâu, định đưa cháu ra trạm y tế nhưng cũng bị ngập nên hôm nay đưa cháu ra đây khám và nhận thuốc", một người dân nói.

Người đàn ông đến khám bệnh với nhiều vết loang lổ khắp người, sau khi khám lâm sàng bác sỹ kết luận ông bị bệnh hắc lào nặng.

Bệnh hắc lào, bệnh ngoài da do vi nấm gây nên gây ngứa ngáy suốt ngày, rất phiền toái và khó chịu. Nguyên nhân do vệ sinh thân thể kém, ít tắm gội hoặc do ngâm mình trong nước bẩn nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh.

Theo nguyên tắc, người dân xuất trình thẻ bảo hiểm ra sẽ được cấp phát thuốc miễn phí, nhưng hầu người dân đến khám đều được cấp phát thuốc. Người dân tiếp xúc với nước bẩn lâu ngày dễ bị bệnh ngoài da nên huyện đã chuẩn bị hơn 1.000 gói thuốc gồm: thuốc đau mắt, nước ăn chân, bôi ngứa,...để cấp phát.

Người đàn ông có bàn chân nổi mụn, phần móng ngả vàng do nhiều ngày ngâm nước, đứng xếp hàng chờ khám và lấy thuốc.

"Nhà bị ngập quá nóc, đồ đạc phải di chuyển lên cao hoặc đi gửi nhờ. Ngày nào cũng bì bõm, đằm mình dưới nước từ sáng để đi lấy nước ăn, lấy cám cho lợn,...chỉ sau 4 ngày nước đã ăn kín các kẽ chân", anh Nguyễn Văn Thi (đội 3 thông Nhân Lý) nói . Hiện hai ngày liên tiếp anh không thể di chuyển vì đau. "Vật dụng duy nhất để di chuyển thời điểm này là xỏ ủng và bơi thuyền", anh Thi nói.

Người đàn ông nằm nghỉ ngơi trên chiếc võng sau một ngày mệt nhoài bì bõm trong nước, bàn chân trắng bợt, lỗ chỗ những vết nước ăn chân.

Để giữ cho bàn chân khô, ông võng mắc lên trần nhà chờ nước xuống.

Bà Nguyễn Thị Sáu bị nước ăn chân nặng, phần kẽ chân và lòng bàn chân đau xót không thể đi lại. Nước rút khỏi nhà, dọn dẹp xong cả gia đình bà ngồi bôi thuốc tím để sát khuẩn khử trùng.

Dự kiến từ ngày 16/8 đến ngày 20/8 sau khi nước đã rút và các địa phương đã được tổng vệ sinh môi trường. Trung tâm y tế huyện sẽ phối hợp với các trạm y tế của 3 xã, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ tổ chức khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 8.500 người dân 3 xã bị ngập úng. Với mục tiêu 90% dân số các thôn ngập úng nặng được khám và điều trị các bệnh sau ngập úng. Tránh để nhân dân phải chời đợi, các xã sẽ tổ chức khám theo thôn và mời theo các giờ trong ngày, mỗi buổi khám không quá 200 người.

Ngọc Thành