Chiều 11/8, mực nước sông Hồng đoạn qua thành phố Hà Nội chỉ còn dưới báo động 2 xấp xỉ 10cm. Tại địa điểm từng xảy ra liên tiếp các vụ sạt lở ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) nước mệnh mông, che phủ cả những đống gạch vụn của mấy ngôi nhà đổ mùa nước rút năm ngoái. Dãy nhà cao tầng nằm quay mặt ra sông chỉ còn cách mép nước một quãng ngắn. Hàng loạt tấm biển báo sạt lở nguy hiểm xuất hiện khắp các ngõ, ngách.
Đống gạch vụn của những ngôi nhà đổ sập vì nước lũ năm 2007 đang dần chìm dưới nước lũ năm nay. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Gắn bó với mảnh đất này gần hết cuộc đời, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, hơn 30 năm nay mới thấy nước sông dữ dội liên tiếp như vậy. Đứng trên bờ sông nham nhở chỉ tay vào dòng nước lũ đang trôi ầm ập qua gầm cầu Long Biên bà Hồng nói: "Hôm nay nước đã bớt dữ hơn nhưng vẫn còn lên. Với đà này, vài năm nữa làng này bị xóa sổ mất".
Cạnh đó, ngôi nhà kiên cố của chị Nguyễn Thị Hảo đang dần dần đổ nghiêng ra bờ sông. Sát móng nhà xuất hiện các vết nứt lớn, chạy ngoằn ngoèo khắp khoảng sân trước vốn đã lõm sâu. 10 hộ cùng dãy nhà chị Hảo đã được lệnh di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Riêng nhà chị dù đã sống ở đây trên 40 năm nhưng không thuộc diện được đền bù vì chưa được làm sổ đỏ.
"Tôi sợ không qua được mùa lũ năm nay. Chỉ thêm một ngày mưa lớn ở đầu nguồn là nhà chìm dưới nước", chị Hảo nói như mếu.
Theo anh Quý, ngõ 211, phường Ngọc Thụy, dải đất ngoài đê từ ngã ba sông Đuống - sông Hồng đến cầu Long Biên xưa thuộc địa phận 3 làng Bắc Cầu, Bắc Biên, Yên Tân (nay chia thành 11 tổ dân phố). Trong đó, làng Yên Tân xưa là bên bồi sông Hồng, trải rộng hàng trăm mét ra tới gần bãi giữa hiện nay.
Nguyên nhân khiến mảnh đất trù phú này ngày càng bị thu hẹp là do việc nắn dòng bên bãi Tứ Liên để bảo vệ đê Hà Nội từ năm 1996. "Có chỗ mép nước chỉ còn cách thân đê tả ngạn này hơn 50 mét", anh Quý cho biết.
Chị Hảo bên căn nhà đầy vết nứt khắp sân, tường. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Theo ông Phạm Đình Thạch, tổ trưởng dân phố số 2 phường Ngọc Thụy, nhiều năm nay, người dân đã sống trong cảnh bấp bênh. Từ khi dòng chảy sông Hồng nắn chỉnh, hướng thẳng sang khu vực này người dân lại càng nơm nớp lo mất nhà. "Sông Hồng chỉ cần ngoạm sâu thêm vào 20 mét nữa ở chỗ gần thân đê nhất thì tuyến đê tả ngạn này không thể cứu vãn được", ông Thạch nói.
Ông Thạch cho biết, trong khi chưa có giải pháp lâu dài, mỗi mùa mưa lũ, tất cả người dân ngoài đê sông Hồng lại được phổ biến phương án chạy lũ. Tháng 10 năm ngoái, hàng trăm gia đình ở đây trong một đêm đã di chuyển toàn bộ đồ đạc của mình vào trong đê.
Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, hôm qua, tại đỉnh mái kè Dương Hà, thuộc đê hữu Đuống, quận Long Biên (Hà Nội) đã xuất hiện hố sụt 2,5x2,5 m, sâu 0,7 m. Lực lượng phòng chống lụt bão thành phố đã lên phương án xử lý và theo dõi chặt chẽ. Hố sạt trượt có thể lan rộng và khoét sâu hơn, đe dọa tới sự an toàn của hàng chục nghìn dân nằm trong vùng đê bảo vệ.
Theo Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, 3 ngày tới, các tỉnh Đông Bắc Bộ chịu sự chi phối của áp thấp nhiệt đới. Nhiều khả áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ gây mưa lớn. |
Nguyễn Hưng