Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát 4 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội gồm: E, K (cơ sở 3), Nội tiết Trung ương (cơ sở 2) và Hữu Nghị, sáng 8/12. Tại khu vực lấy mẫu máu xét nghiệm Bệnh viện K, khi thấy Bộ trưởng đến, rất nhiều bệnh nhân vây quanh bà tố khổ vì chờ đợi quá lâu. Một bệnh nhân nam 40 tuổi ở Quảng Ninh bức xúc cho biết đi từ nhà lúc 2h sáng để đến viện khám nhưng tới 9h30 vẫn chưa đến lượt lấy máu xét nghiệm. Số thứ tự lấy máu xét nghiệm của ông là 94, thời điểm Bộ trưởng đến số bệnh được khám mới dừng ở số 74.
“Ai cũng bức xúc nhưng không dám nói. Chúng tôi theo dõi bảng điện tử, số dừng ở 43 mà cả tiếng đồng hồ không thấy nhảy nữa trong khi liên tục có nhân viên y tế dẫn người khác vào xen ngang. Sinh ra số thứ tự xếp hàng, chúng tôi tuân thủ nhưng phải làm nghiêm, chứ cứ xen ngang này chúng tôi chờ đến khi nào mới đến lượt”, bệnh nhân này phẫn nộ.
Tiếp nhận phản ánh này, Bộ trưởng Tiến yêu cầu lãnh đạo bệnh viện kiểm tra và làm rõ sự việc, nếu đúng phải xử lý nghiêm. Bệnh viện xác minh ban đầu, thời điểm đó có 2 bệnh nhân cấp cứu nên được ưu tiên lấy mẫu máu, dẫn đến chậm lượt những người khác.
4 người bệnh trên một giường tại Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều. Ảnh: N.P. |
Chia sẻ với Bộ trưởng, nhiều người nhà bệnh nhân cho biết không dám thuê phòng mà ngủ hành lang bệnh viện vì tiếc tiền. “Tiền viện phí thì đa phần đã được bảo hiểm chi trả nhưng vẫn phải tiết kiệm vì còn nhiều khoản bên ngoài”, một bệnh nhân ở Nam Định nói. Bộ trưởng hỏi kỹ hơn, những người nhà bệnh nhân đều kiên quyết không dám tiết lộ những khoản chi “khó nói” này là gì.
Tại khoa Nội 2 (ung thư đầu mặt cổ), Bộ trưởng bức xúc vì có 4 bệnh nhân chung nhau một giường, gồm cả bệnh nhân nội trú và ngoại trú. “Thử hỏi các bác sĩ, bắt các anh 4 người ngồi trên cùng một giường bệnh cá nhân này, các anh có chịu được không? Đến người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân", Bộ trưởng chỉ trích lãnh đạo Bệnh viện K. Bà truy vấn: "Chỉ một giường bệnh như thế này, một phòng bệnh như thế này làm đổ sông đổ biển hết những nỗ lực của ngành trong giảm tải”.
Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện K phải tổ chức lại cho khoa học, bố trí khu điều trị ngoại trú riêng, không để tình trạng 4 người trên một giường. Ông Nguyễn Đại Bình, Phó giám đốc bệnh viện hứa ngay trong ngày sẽ sắp xếp lại khu khám nội - ngoại trú để không còn tình trạng lẫn lộn.
Báo cáo kết quả khảo sát đổi mới phong cách thái độ phục vụ của Bệnh viện K trong cuộc họp tại Bộ Y tế chiều 8/12, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế, cho biết thời gian nằm viện trung bình là 29 ngày, mức độ hài lòng chung của người bệnh 66%, thấp nhất trong 5 bệnh viện được khảo sát. Bệnh viện K có 3 cơ sở. Cơ sở 3 có cơ sở vật chất tốt nhất nhưng mức độ hài lòng của người bệnh lại thấp nhất khoảng 52%, trong khi cơ sở 1 cũ là gần 88%.
Bà Hạnh chỉ ra một số điểm không đạt như thái độ thiếu nhiệt tình, quát mắng bệnh nhân của cả bác sĩ và hộ lý, nhất là khi hỗ trợ thay ga gối, rút dịch. Ở các bệnh viện khác, bệnh nhân chỉ phàn nàn bị hộ lý mắng. Vẫn còn tình trạng gây khó dễ giữa người bệnh biếu tiền và không biếu tiền, ai biếu tiền được đáp ứng nhanh hơn. Bác sĩ, điều dưỡng chưa làm tròn nhiệm vụ, có trường hợp khám bệnh xong quên y lệnh, điều dưỡng yêu cầu người bệnh gặp bác sĩ để hỏi, bác sĩ mắng bệnh nhân. Bệnh nhân tự thay rút dây truyền dịch cho nhau. Thủ tục chuyển khoa phức tạp, bệnh nhân bức bối mà không biết nói với ai. Tình trạng này xảy ra ở cơ sở 3.
Phó giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại không ít tình trạng gây phiền hà, nhũng nhiễu người bệnh. “Tôi biết Bệnh viện K ‘đội sổ’ trong 4 bệnh viện kiểm tra hôm nay. Đảng ủy Bệnh viện quyết tâm bằng mọi cách phấn đấu bằng những bệnh viện tốt khác”, phó giáo sư Thuấn nói.
Bộ trưởng Tiến đề nghị Viện Chiến lược và Chính sách Y tế truy tên bác sĩ, điều dưỡng gây khó dễ cho bệnh nhân và có hình thức xử lý kỷ luật. Bệnh viện cần tập huấn lại về thái độ ứng xử với bệnh nhân cho tất cả nhân viên từ bảo vệ cho đến điều dưỡng, bác sĩ; tổ chức cho các khoa phòng ký cam kết lại.
Nam Phương