Hai lễ lớn nhất trong năm được xem như Tết của người Chăm là Păng-Katê (diễn ra vào ngày 1/7 theo lịch Chăm, tức khoảng tháng 9 dương lịch) và Păng-Chabư (ngày 16/9 theo lịch Chăm, tức vào khoảng tháng 2-3 dương lịch).
Păng Katê là ngày tế lễ các vua Chăm thuở xa xưa có công dựng nước và hướng dẫn việc nông trang, thuộc về dòng họ người cha, tượng trưng cho khí dương, cho nên phải cử hành vào buổi sớm. Tết Păng Chabư là lễ cúng tế các thần Pô Giang nữ, tức các hoàng hậu, công chúa Chăm, thuộc dòng họ mẹ, tượng trưng cho khí âm nên được cử hành vào buổi chiều tối.

Lễ hội được người Chăm tổ chức tại cụm tháp chàm Poklong Garai (Ninh Thuận) năm 2015. Ảnh: Inra JaYa.
Khác người Kinh tập trung đón Tết trong một vài ngày, Tết của người Chăm kéo dài cả tháng tùy điều kiện của từng gia đình. Vào sáng mồng một Tết, các chức sắc Chăm cùng toàn thể người dân tề tựu về ba nơi hành lễ tại tháp Chàm, quần áo thật mới mẻ, chỉnh tề. Các thầy Cả và các bà Bóng ngồi theo phẩm trật, thứ tự cao thấp trong căn nhà dựng trước cửa đền hay cửa tháp. Các thầy Cả sư, phó Cả sư, thầy Bà xế, thầy Kè-ke vừa kéo đờn Kanhi (đờn mai rùa) vừa xướng văn tế lễ, những bà Bóng sẽ dâng rượu và múa mừng.
Ngày mồng 2 Tết dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi cho đến ngày hết Tết đến lượt mọi người tổ chức ăn uống từ nhà này sang nhà khác. Bữa cỗ mời khách có đủ thịt (người Chăm theo đạo Bà la môn kiêng thịt bò, người Chăm theo đạo Hồi kiêng thịt lợn), bánh, hoa quả... Trong dịp Tết, người Chăm không có tục kiêng cữ nên bạn bè, hàng xóm đều có thể đến chung vui thoải mái. Thời gian này, người Chăm còn tổ chức nhiều trò chơi, như: múa quạt, đánh cồng chiêng, ca hát uống rượu, bắn cung.
Ngoài hai lễ lớn trên, người Chăm còn có các lễ khác trong năm như: Lễ cúng thần nông cử hành tại các đền, tháp; lễ cầu đảo (Chakap Hiâu Kron) cử hành ở các đập nước hay bờ sông, bờ suối; lễ cúng ruộng (Pô Phùm) để cầu cho ruộng lúa tốt tươi và lễ Tống ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào mồng 1 tháng giêng theo lịch Chăm để cầu cho làng xóm, gia đình được thịnh vượng, an khang.
>>Quay lại